Cổng thông tin The Drive mới đây đã đăng tải câu chuyện của Trung tá không quân Mỹ về hưu Charlie Heinlein, người đã chứng kiến cảnh máy bay cường kích F-117 Nighthawk bị tiêu diệt trong chiến dịch quân sự ở Nam Tư. Phiên bản đầy đủ có thể được nghe trên podcast của The Afterburn.
Không giống như vụ việc nổi tiếng vào ngày 27/3/1999 trên bầu trời Serbia, tên lửa Pechora của Liên Xô bắn rơi một chiếc F-117 mang ký hiệu Vega 31, vụ việc này không có xác nhận chính thức và cho đến ngày nay nó vẫn được bảo mật. Vì vậy, Charlie Heinlein là người đầu tiên tiết lộ chi tiết.
Trong thời gian hoạt động ở Nam Tư, ông Heinlein là phi công lái F-117 của phi đội máy bay chiến đấu "Hiệp sĩ bay" số 9 và đóng quân tại căn cứ không quân Spangdal ở Đức.
Thông thường thời gian thực hiện nhiệm vụ từ khi cất cánh đến khi hạ cánh mất khoảng 6 giờ. Và trên đường đi các máy bay cần được tiếp nhiên liệu. Phi công Charlie Heinlein đã thực hiện nhiệm vụ với một chiếc Nighthawk khác.
Biên đội đã bay khoảng 10 dặm. Cựu phi công nhớ lại đêm đó hệ thống phòng không của Serbia đã bắn khá nhiều tên lửa. Tổ hợp SA-3 Goa (S-125 Pechora) và các tổ hợp khác đều hoạt động.
Do F-117A Nighthawk không có thiết bị phát hiện hệ thống phòng không, cho nên phi hành đoàn đã phải nhận cảnh báo từ phi công của F-16CJ "Wild Weasel" về các tổ hợp phòng thủ của đối phương.
Vào thời điểm Trung tá Heinlein đang bay về phía mục tiêu của mình ở ngoại ô Belgrade, và trước khi quả bom rơi chỉ còn 30 - 40 giây, chiếc F-16CJ đã thông báo một cuộc tấn công từ phòng không Serbia.
Phi công nhận ra rằng mình tương đối an toàn, ở phía Tây của vụ phóng. Và sau đó anh ta nhìn sang bên phải và thấy "một tên lửa giống Saturn V khổng lồ đang tiến đến" (một phương tiện phóng siêu nặng của Mỹ).
"Tôi biết đối tác của mình đang ở đâu đó bên ngoài. Sau đó tôi thấy một vụ phóng khác - một luồng sáng mạnh, và thậm chí từ khoảng cách này bạn có thể thấy rất nhiều chi tiết".
"Đó là một chiếc đuôi lửa, khói, và sau đó là quả cầu lửa đang lao về phía bạn". Nhưng sau đó viên phi công không thể hiểu chính xác liệu tên lửa có bắn trúng chiếc máy bay tấn công thứ hai hay không.
Heinlein vẫn bật chế độ lái tự động - thao tác tỏ ra thích hợp trong những tình huống như vậy, vì điều khiển bằng tay có thể ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích phản xạ radar và khiến F-117 trở thành mục tiêu thuận lợi cho tên lửa.
Sau khi thả bom xuống mục tiêu, viên phi công đã tiếp cận máy bay tiếp dầu Stratotanker KC-135 và chờ máy bay đồng đội. Đã quá thời gian quy định khá lâu song chiếc F-117 còn lại không xuất hiện, viên phi công lái chiếc F-117 đầu tiên phải bay vòng tròn trên không và thuyết phục chiếc KC-135 ở lại.
Cuối cùng chiếc F-117 thứ hai đã xuất hiện, nó bay trong bóng tối với ánh đèn tắt và "không ở trong trạng thái tốt nhất". Máy bay đột ngột ngắt kết nối, khiến Heinlein và phi hành đoàn chiếc KC-135 bối rối: "bây giờ anh ta chỉ bay với một động cơ hay phi công gặp vấn đề khác".
Tôi phải yêu cầu chiếc KC-135 hạ cánh tà xuống để giảm tốc độ và cho phép chiếc Nighthawk tiếp cận. Mặc dù làm đổ nhiên liệu xung quanh thùng chứa, chiếc F-117 bị hư hỏng vẫn tìm cách lấy được đầy xăng và cả hai máy bay tàng hình sau đó quay trở lại căn cứ.
Phi công Heinlein sau đó thừa nhận chiếc F-117 kia đã bị thiệt hại "khá nặng", nhưng vẫn có thể tiếp tục bay, mặc dù nhiệm vụ của nó đã bị gián đoạn, điều này cho thấy vụ nổ của một tên lửa phòng không đã xảy ra ở một khoảng cách tương đối gần.
Như vậy với những gì vừa được tiết lộ, đây thực sự là chiếc Nighthawk thứ hai bị trúng tên lửa của phòng không Serbia như những gì họ đã thông báo trước đó.
Việt Dũng