Cựu Phó chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường sai khiến vợ chiếm đoạt 'đất vàng' giữa Thủ đô
Ngày 16-1, Tòa án nhân nhân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án chiếm đoạt 'đất vàng' ở Hà Nội, song do không trích xuất được bị cáo nên phiên xử buộc phải trì.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa này gồm: Lương Thế Hiển (SN 1960, tên gọi khác là Lương Xuân Hiển, trú ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) - cựu Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Nguyễn Thị Liên (SN 1960, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội - vợ bị cáo Hiển). Đôi vợ chồng này cùng bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, năm 2019, cơ quan điều tra nhận được đơn của anh Nguyễn Thanh T. (SN 1972, ở quận Đống Đa, Hà Nội) tố cáo vợ chồng Lương Xuân Hiển có hành vi chiếm đoạt 3 lô đất ở phố Bà Triệu, Hà Nội.
Quá trình điều tra cho thấy, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng Lương Thế Hiển vẫn giới thiệu bản thân có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo sở, ngành và có thể đứng tên làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước với giá thấp.
Bị cáo Hiển sau đó đứng tên giúp anh T. hoàn thành các thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, chuyển đổi diện tích mục đích sử dụng chung, đồng thời gộp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 296, 298 và 300 phố Bà Triệu thành một bản.
Để hợp thức việc trên, hai bên thống nhất anh T. ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với bị cáo Liên, viết các giấy nhận tiền góp vốn và chuyển nhượng lại vốn góp, ký các hợp đồng chuyển nhượng nhà đất.
Năm 2017, 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cấp 4 sổ đỏ đứng tên vợ chồng Hiển. Lúc này, bị cáo Hiển nảy sinh ý định chiếm đoạt và không trả lại nhà đất trên cho anh T. như thỏa thuận.
Năm 2018, Hiển tìm cách bán nhà đất trên cho anh Lê Hải A. (SN 1991) theo 4 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với giá là hơn 320 tỷ đồng. Đến ngày 29-1-2019, do phát hiện đất bị hụt 8,8m2 so với thực trạng nên Hiển đã trả lại anh A. hơn 3,5 tỷ đồng.
Thực tế, trên các hợp đồng chuyển nhượng công chứng, Hiển chỉ ghi diện tích đất là 676,4m2 với tổng giá trị chuyển nhượng là 30 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với số tiền thực tế các bên giao dịch. Hai bên sử dụng các hợp đồng này để kê khai và nộp thuế với nhà nước.
Sau khi việc chuyển nhượng thành công, anh A. được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo kết luận giám định tư pháp của Cục thuế Hà Nội, vợ chồng ông Hiển có hành vi gian dối ký hợp đồng chuyển nhượng với giá trị thấp hơn giá chuyển nhượng để trốn thuế thu nhập cá nhân là hơn 5,2 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố vợ chồng Hiển về tội "Trốn thuế".
Sau khi điều tra, xác định các đối tượng này có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên cơ quan tố tụng thay đổi quyết định khởi tố vợ chồng Hiển sang tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Quá trình điều tra, Hiển không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo này khai, giữa Hiển và ông T. có hợp tác kinh doanh và giao nhận tiền góp vốn để mua bán nhà đất tại phố Bà Triệu. Theo các giấy nhận tiền đề ngày 2-4-2017; ngày 5-5-2017 và ngày 1-10-2017 số tiền 200 tỷ đồng là tiền của cá nhân Hiển.
Tuy nhiên, lời khai của anh T. thể hiện, giữa hai bên không có việc hợp tác kinh doanh và việc giao nhận số tiền 200 tỷ đồng góp vốn và chuyển nhượng lại vốn đã góp để đầu tư mua nhà đất chỉ nhằm hợp thức hồ sơ giấy tờ nhà mà bị cáo Hiển đứng tên làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước với giá thấp.
Việc làm trên nhằm chuyển đổi đất sử dụng chung và gộp các "sổ đỏ" nhà đất trên được thuận lợi và nhanh chóng. Anh T. phải trả tiền công dịch vụ cho Hiển là 7 tỷ đồng. Thời gian ghi trên hợp đồng góp vốn, giấy nhận tiền không đúng thực tế.
Anh T. trình bày, sáng 29-9-2017, anh này nhờ bạn mang 7 tỷ đồng đến nhà Hiển nhưng bị cáo vắng nhà nên có nhờ bị cáo Liên nhận túi tiền trên.
Cơ quan điều tra xác định, Hiển đã sử dụng số tiền bán nhà để mua 2 căn hộ ở khu Ciputra, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội và cho con trai đứng tên. Đối với số tiền còn lại, Hiển từ chối khai báo.
Sau khi điều tra bổ sung, bị cáo Hiển thay đổi lời khai và cho rằng Liên là người sử dụng tiền. Căn cứ kết quả hỏi cung và sao kê tài khoản ngân hàng thấy rằng, anh A. chuyển cho Liên 119 tỷ đồng. Số tiền này, Liên khai nhận đã sử dụng hết theo yêu cầu của chồng.
Cụ thể, bị cáo Liên đã chuyển hơn 78 tỷ đồng để mua 2 lô đất tại khu đô thị mới Yên Hòa. Vợ Hiển Liên còn chuyển 10,9 tỷ đồng để mua 300 cây vàng cho chồng. Việc bị cáo Hiển mang số vàng trên đi đâu, sử dụng như nào bị cáo Liên không rõ.
Đặc biệt, cơ quan điều tra xác minh lai lịch nhân tích bị cáo Hiển cho thấy, bị cáo này đã khai báo gian dối họ tên, nhân thân, lý lịch tư pháp trong quá trình công tác. Thực chất, Hiển tên thật là Lương Thế Hiển, SN 1960, trú ở Vĩnh Phúc.
Cơ quan tố tụng xác định, Hiển giữ vai trò chính và được hưởng lợi chủ yếu, đồng thời có hành vi đe dọa, ép buộc vợ khai báo gian dối, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án. Bị cáo Hiển khai báo không thành khẩn, cản trở việc xác minh, điều tra về nguồn gốc, quá trình sử dụng tiền, tài sản do bản thân phạm tội mà có. Còn bị cáo Liên khai báo thành khẩn, làm theo sự sai khiến của chồng nên cần xử lý nhân đạo, thể hiện sự khoan hồng pháp luật.
Cơ quan tố tụng cũng đã kê biên 7 thửa đất gồm: 3 thửa đất đứng tên anh A., 2 căn hộ đứng tên con trai Hiển và 2 thửa đất ở Phú Thọ đứng tên bị cáo Hiển.
Đặc biệt, cơ quan điều tra có văn bản kiến nghị Cục thuế TP Hà Nội về việc quản lý thuế, chỉ đạo các cơ quan thuế. Khi phát hiện các giao dịch về bất động sản có giá trị lớn nhưng ghi giá trị thấp hơn giá trị nhà đất do UBND TP Hà Nội quy định và nghi ngờ có hành vi trốn thuế thì cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để xác minh, làm rõ.