Cựu Phó chủ tịch Khánh Hòa nói lý do giao đất vàng cho doanh nghiệp
Ông Đào Công Thiên khai biết khi giao đất cho doanh nghiệp là trái quy hoạch, nhưng phải ký vì đó là trách nhiệm của bị cáo không thể làm khác được.
Sáng 24/12, ông Đào Công Thiên (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tháng 4/2015-2019) là bị cáo thứ 2 trả lời thẩm vấn tại phiên sơ thẩm xét xử vụ án Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang - trụ sở cũ của Trường chính trị tỉnh Khánh Hòa.
Trong vụ án này có 13 bị cáo, gồm: Nguyễn Chiến Thắng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh), Lê Đức Vinh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh), Đào Công Thiên (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh), Võ Tấn Thái (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, cựu Giám đốc Sở TN&MT), Lê Văn Dẽ (cựu Giám đốc Sở Xây dựng), Trần Văn Thọ (cựu Phó giám đốc Sở Xây Dựng), Nguyễn Ngọc Tâm (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính), Vũ Xuân Thiềng (cựu Phó giám đốc Sở TN&MT), Nguyễn Văn Nhựt (cựu Phó giám đốc Sở KH&ĐT), Trần Quang Bửu (cựu Phó giám đốc Sở Xây dựng), Trần Sỹ Quân (cựu Cục phó Cục Thuế Khánh Hòa), Lê Huy Toàn (cựu Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang) và Nguyễn Ngọc Tuấn (cựu Phó phụ trách phòng vật giá công sản Sở Tài chính).
Biết trái quy hoạch vẫn ký giao đất doanh nghiệp
Theo cáo trạng, bị cáo Đào Công Thiên là người chịu trách nhiệm trong việc ký ban hành các quyết định giao đất, cho thuê đất, phê duyệt giá đất và bán tài sản trên đất trái pháp luật.
Cụ thể, bị cáo Đào Công Thiên ký các quyết định 411 ngày 16/2/2016, giao đất cho Công ty Thanh Yến đã vi phạm quy định khoản 21 Điều 145 Luật Đất đai 2013, khoản 1 Điều 49 Nghị định 43 và cách xác định loại đất quy định tại điểm 2.1 phụ lục số 01 Thông tư số 28 của Bộ Tài nguyên Môi trường; quyết định 2099 ngày 21/7/2016, đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013, trong việc bán tài sản trên đất ở số 1 Trần Hưng Đạo; ký quyết định 1875 ngày 30/6/2016, đã vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định 52 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008.
“Tại sao bị cáo ký quyết định giao đất và phê duyệt giá đất cho doanh nghiệp khi biết dự án được cấp trái quy hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang thời điểm đó?”, chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi. Trả lời HĐXX, bị cáo Thiên cho rằng mình ký các quyết định trên là làm theo các bước trình tự theo hợp đồng BT mà UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký trước đó với doanh nghiệp.
“Sau khi các cơ quan tham mưu của tỉnh trình lên không ai có ý kiến phản đối hay nội dung khác nên bị cáo ký”, bị cáo Thiên trả lời tại tòa.
Theo ông Thiên, ngoài lý do trên thì việc bị cáo ký quyết định giao đất cho Công ty Thanh Yến là quá trình nối tiếp các bước trong hợp đồng BT mà tỉnh đã ký kết trước đó. “Thời điểm đó phần hợp đồng BT thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp họ đã làm xong, mình không có lý do gì không giao đất cho họ được”, bị cáo Thiên trình bày.
Tuy nhiên, khi HĐXX truy hỏi về việc bị cáo có biết khi ký quyết định giao đất cho doanh nghiệp (2016) phần đất ở số 1 Trần Hưng Đạo trái quy hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang, ông Thiên cho rằng lúc đó chưa phù hợp nhưng sau này đã bổ sung, điều chỉnh để phần đất hơn 7.000 m2 thành đất ở (2019).
“Bị cáo ý thức được lúc giao đất cho doanh nghiệp là làm trái quy hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang lúc đó. Còn nếu đòi hỏi toàn bộ khu đất số 1 Trần Hưng Đạo là đất ở thì chắc chắn không thể ký giao cho doanh nghiệp”, bị cáo Thiên nói.
Tại sao biết trái quy hoạch mà vẫn làm, chủ tọa tiếp tục truy vấn. Trả lời câu hỏi này, ông Thiên cho rằng lúc đó với tư cách Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách mảng tài nguyên môi trường, trách nhiệm của bị cáo là phải ký quyết định giao đất đúng theo những điều khoản có trong hợp đồng BT mà tỉnh đã ký với doanh nghiệp trước đó.
Bán tài sản Nhà nước "giá bèo"
Trong vụ án, cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo Thiên cùng bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Chủ tịch hội đồng định giá đất và nhà thuộc sở hữu Nhà nước tỉnh) có hành vi trái pháp luật trong việc bán tài sản Nhà nước thuộc trường Chính trị tỉnh cũ gây thất thoát tài sản của Nhà nước với số tiền hơn 11,6 tỷ đồng.
Tại sao bị cáo ký quyết định giảm giá trị tài sản trên đất từ hơn 21 tỷ xuống còn 9,4 tỷ đồng đối với tài sản trên đất của trường Chính trị tỉnh, chủ tọa đặt câu hỏi. Trả lời, bị cáo Thiên nói do tài sản trên đất bị hư hỏng, mất giá trị theo thời gian.
“Lúc đầu giá trị tài sản bị cáo ký ban hành hơn 21 tỷ nhưng không ai mua, đến lần thứ 2 bị cáo ký quyết định mới giảm còn hơn 9,4 tỷ đồng thì mới có người mua”, ông Thiên khai.
Một lần nữa ông Thiên khẳng định không có ý định “giảm giá” mà chỉ phê duyệt giá trị còn lại tài sản trên đất.
Ông Thiên cho rằng trước khi ký phê duyệt giá tài sản tại trường Chính trị ở đường Trần Hưng Đạo, đã có bộ phận chuyên môn tiến hành điều tra, thẩm định. “Bản thân tôi không thể điều tra chi tiết, có hội đồng làm việc rồi thì tôi tin tưởng, nên tôi ký thôi”, ông Thiên trình bày. Đại diện VKS phản bác ý kiến của bị cáo Thiên trước việc ông “không nghiên cứu kỹ” với cương vị lãnh đạo tỉnh. “Một vấn đề quan trọng như vậy mà bị cáo Thiên nói không nghiên cứu kỹ là không phù hợp”, đại diện VKS nói.
Theo cáo trạng, khi bị cáo Thiên ký quyết định định giá tài sản trên khu đất số 1 Trần Hưng Đạo xuống còn hơn 9,4 tỷ đồng, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Khánh Hòa ra thông báo 418 để bán đấu giá tài trên, nhưng chỉ có Công ty CP Thanh Yến đăng ký tham gia và trúng thầu.