Cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: 'Đã phạm tội hãy thẳng thắn thừa nhận sai'

Tại tòa, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận mình là người có tội, nên khi đứng trước tòa hôm nay, bị cáo rất đau đớn. Đồng thời, ông Dũng cũng trải lòng về chuyện chống dịch…

Vụ "Chuyến bay giải cứu":

Cựu Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân. Ảnh chụp màn hình

Cựu Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân. Ảnh chụp màn hình

Cựu Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã khắc phục được ¾ hậu quả

Bào chữa cho bị cáo Trần Văn Tân, luật sư cho biết "đây là vụ việc đau lòng". Hiệp hội các doanh nghiệp, nhiều công ty và cá nhân ở tỉnh Quảng Nam đã có đơn gửi hội đồng xét xử đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tân.

Vị luật sư cho hay "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại", Đảng và Nhân dân ta cũng có đường lối, chính sách pháp luật rất nhân văn, rõ ràng, chỉ nghiêm trị những người ngoan cố, khoan hồng với người ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả.

Luật sư đề nghị Viện kiểm sát áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt để bị cáo Tân được hưởng mức hình phạt từ 6-7 năm tù, thấp hơn hình phạt mà viện kiểm sát đã đề nghị, để bị cáo sớm về với gia đình, cộng đồng, tiếp tục cống hiến cho xã hội, báo hiếu người cha đã cao tuổi.

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Trần Văn Tân một lần nữa thừa nhận hành vi của mình là hoàn toàn sai và thừa nhận trách nhiệm của mình, đồng thời khắc phục được ¾ hậu quả.

Theo bị cáo Tân, trong quá trình thực hiện công việc, bị cáo đã làm hết vai trò, trách nhiệm được giao. Trước chủ trương nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước, bị cáo đã sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp, hoàn toàn không có ý gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi đến xin cách ly ở đây. Mỗi lần bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Cty BlueSky) đến gặp, bị cáo Tân đều dặn là phải chăm lo tốt cho công dân và đồng bào về nước, xem ai có bệnh gì không, ăn uống như thế nào… chứ không được gây khó khăn cho công dân. Trường hợp nào bị bệnh nặng hay phải cách ly thêm thì phải chủ động hỗ trợ công dân.

“Công dân về đã khó khăn rồi nên không được thu thêm tiền” - bị cáo Tân nói. Bị cáo Tân trình bày, bị cáo thường xuyên chủ động kiểm tra, giám sát việc này. Việc cho các doanh nghiệp đưa công dân về cách ly tại Quảng Nam là cơ hội để các cơ sở kinh doanh du lịch, khách sạn ở địa phương giải quyết công văn việc làm, kích cầu và phục hồi du lịch…

“Lần đầu nhận tiền, bị cáo đã biết mình sai rồi. Những lần sau thì chị Hằng nói là tặng sinh nhật, Lễ Tết… nên bị cáo nhận” - bị cáo Tân trình bày lại, đồng thời, bị cáo Tân mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo ngay từ đầu để bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Hơn 100 luật sư tham gia phiên tòa. Ảnh: Nhật Nam

Hơn 100 luật sư tham gia phiên tòa. Ảnh: Nhật Nam

"Hôm nay chúng ta phạm tội hãy thẳng thắn thừa nhận sai"

Tự bào chữa cho mình tại Tòa, bị cáo Chử Xuân Dũng trình bày, hơn 26 năm công tác trong ngành giáo dục đào tạo, đến cuối năm 2020, bị cáo được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Dũng được phân công làm Trưởng ban, sau đó là Phó trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, có trách nhiệm quyền hạn duyệt, ký chủ trương cách ly trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo bị cáo Dũng, đây là nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ, không chỉ khó với người trong ngành y, các chuyên gia mà ngay cả bị cáo cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của người mới nhận nhiệm vụ, bị cáo đã tập trung trí tuệ, công sức của mình để thực hiện việc này. Một trong những việc quan trọng quyết định đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 là công tác tổ chức cách ly, cách ly tốt thì sẽ giảm thiểu lây lan dịch bệnh, do đó, bị cáo và những người trong Ban Chỉ đạo đã tổ chức tốt vấn đề này tại Hà Nội.

Là thành phố lớn, Hà Nội không cho phép xảy ra sai sót trong quá trình chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Ý thức điều này, bị cáo đã cố gắng thực hiện tốt. “Giờ nghĩ lại, bị cáo thấy các quyết định của bị cáo đều đã thực hiện trên tinh thần vì Nhân dân” - bị cáo Dũng trình bày.

Bị cáo Dũng lấy dẫn chứng như khi bị cáo quyết định cách ly tại một trường tiểu học có 1 F0 là học sinh. Lúc đó, đối tượng cách ly là các cháu nhỏ mà phải lên cơ sở quân đội để cách ly thì sẽ rất khó khăn, vất vả nên bị cáo đã cho quyết định cách ly ngay tại trường học.

“Quyết định xong là lúc nửa đêm, bị cáo về còn run, còn sợ. Bởi lúc đó, Giám đốc Sở Y tế nói báo cáo ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia thì không được đồng ý vì sai quy định. Tuy nhiên, sau này bị cáo thấy đây là chỉ đạo tốt và trở thành tiền đề cho chủ trương cách ly tại các trường học” - bị cáo khai.

Theo bị cáo Dũng, quá trình chống dịch, bị cáo đã trực tiếp đi kiểm tra cách ly tại các khách sạn, các sở, đơn vị liên quan, đề nghị các cơ sở cách ly báo cáo hàng tuần, đặc biệt về vấn đề tài chính, công khai mức thu trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân tiếp cận. Sau này, bị cáo mới biết, bản thân doanh nghiệp đã thu trọn gói ngay từ đầu, người dân không được tiếp cận nhiều các thông tin này.

“Tôi tưởng tôi đã làm rất tốt công tác này, nhưng thông tin đến tôi không đầy đủ nên đã quyết định sai lầm” - bị cáo Dũng nói.

Về việc hai bị cáo Trần Minh Tuấn và Lê Thị Ngọc Anh khai đã đưa tiền cho ông Dũng để ký cấp phép cho 4 công ty được đưa công dân về cách ly tại TP Hà Nội, ông Dũng nói, không chỉ hai bị cáo Minh Tuấn và Ngọc Anh mà các doanh nghiệp khác, bị cáo cũng đều ký duyệt.

Đối với bị cáo Trần Minh Tuấn, ông Dũng nói chỉ gặp một lần duy nhất, sau đó, bị cáo không gặp, không gọi điện thoại, không nhớ công ty của Tuấn là gì.

Nói về hành vi nhận hối lộ, ông Dũng cho rằng, mình không nhớ số lần nhận tiền và nhận bao nhiêu? “Tôi thực sự không nhớ mình đã nhận bao nhiêu tiền, xin chấp nhận con số của cơ quan điều tra… Chúng ta cũng chỉ vì tiền mà phạm tội, nhưng không phải ai phạm tội cũng là người xấu, hôm nay chúng ta phạm tội hãy thẳng thắn thừa nhận sai”, cựu Phó Chủ tịch Hà Nội trần tình.

Bị cáo Dũng thừa nhận mình là người có tội, nên khi đứng trước tòa hôm nay, bị cáo rất đau đớn. Bị cáo có quá trình chống dịch gian khó, không từ bất cứ việc gì, cũng là người đóng góp nhiều và cống hiến hết sức cho công tác phòng chống dịch, nay lại thành "tội đồ" của Thành phố. Bị cáo mong HĐXX mở rộng khoan hồng để bị cáo sớm có cơ hội được quay lại với xã hội, đóng góp thêm sức lực của mình cho xã hội.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến trình bày bản bào chữa. Ảnh: Nhật Nam

Luật sư Trịnh Văn Tuyến trình bày bản bào chữa. Ảnh: Nhật Nam

Bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng tại tòa, Luật sư Trịnh Văn Tuyến cho biết, việc nhận tiền của ông Chử Xuân Dũng là mang tính thụ động và “đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu”.

Theo luật sư Tuyến, xuyên suốt hành vi phạm tội của ông Dũng, các lời khai cùng các chứng cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án đều thể hiện rất rõ rằng: ông Dũng không hề có bất kỳ một sự thỏa thuận, đòi hỏi hay gây khó dễ nào đối với doanh nghiệp để được nhận tiền. Ngoài ra, tất cả các lời khai của bị cáo Phạm Bá Sơn và anh Đặng Đình Tuyến (thư ký ông Dũng) đều thể hiện, ông Dũng không hề thỏa thuận, yêu cầu, đòi hỏi hay gây khó dễ cho doanh nghiệp trong việc cấp chủ trương cách ly tại Hà Nội, để sau đó nhận được tiền bạc.

Luật sư Tuyến cho rằng, căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, có thể khẳng định ông Dũng không hề có sự thỏa thuận, yêu cầu hay gây khó dễ để doanh nghiệp phải chung chi tiền bạc trong việc ký ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho công dân về nước cách ly tại Hà Nội. Việc đưa và nhận tiền giữa 2 bị cáo liên quan với ông Dũng hoàn toàn chỉ chỉ mang tính “được chăng hay chớ”, “đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu”.

“Tại phiên tòa sáng 14/7, khi trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho Trần Minh Tuấn, ông Dũng đã khái quát hành vi phạm tội của mình rằng: “Nếu không phải là người quen gửi quà cảm ơn thì chắc chắn tôi đã không phải đứng trước phiên tòa này”. Điều đó càng cho thấy, mặc dù ông Dũng nhận thức được việc nhận tiền cảm ơn là sai trái nhưng lại không nhận thức được một cách đầy đủ, đúng đắn cũng như là tính chất nghiêm trọng của hành vi nhận tiền liên quan đến việc duyệt chủ trương cách ly” - luật sư Tuyến nói.

Theo luật sư Tuyến, trong vụ án này, một số bị cáo không chủ động yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền nhưng đã không tránh được cám dỗ.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến cũng đã đưa ra một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Chử Xuân Dũng như: ông Dũng có nhiều năm giảng dạy và quản lý về giáo dục, góp phần dạy dỗ, đào tạo ra nhiều thế hệ học trò Thủ đô.

“Ông Dũng đã góp phần dạy dỗ, đào tạo ra lớp lớp thế hệ học trò ở Thủ đô. Trong số ấy, không ít người hiện là sĩ quan công an, sĩ quan quân đội, giảng viên đại học, bác sỹ, kỹ sư, cán bộ công chức Nhà nước và doanh nhân… Có thể khẳng định rằng, đây là đóng góp rất lớn của ông Dũng đối với xã hội.” – luật sư Tuyến nói.

“Với riêng cá nhân tôi, khi tham gia vụ án này, ngay trong lần đầu tiên tiếp xúc, làm việc với ông Dũng tại Trại Tạm giam B14 đã nhận được một câu nói rất đau lòng. Đó là: “Bây giờ, thầy gặp chúng mày, thầy xấu hổ lắm!” Thiết nghĩ, bên cạnh hình phạt, bản án của pháp luật tới đây thì sự ân hận, day dứt, xen lẫn sự hổ thẹn trong lòng cũng chính là một hình phạt, bản án nữa vô cùng hà khắc đối với ông Dũng và nó sẽ đi theo ông suốt cả quãng đời còn lại.” – luật sư Tuyến nói tiếp.

Đồng thời, luật sư cũng cho biết, ông Dũng đã thành khẩn khai báo… từ đó đề nghị áp dụng mức án thấp hơn mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cuu-pho-chu-tich-ubnd-tp-ha-noi-da-pham-toi-hay-thang-than-thua-nhan-sai-344710.html