Cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trần Hùng bị phạt 9 năm tù
Sau 1 tuần xét xử và nghị án, sáng 27/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 36 bị cáo trong vụ án sản xuất, mua bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả xảy ra tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường.
36 bị cáo này bị kết án về các tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó, bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường) bị Tòa tuyên phạt 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Các bị cáo nguyên là cấp dưới của bị cáo Trần Hùng gồm: Lê Việt Phương (cựu Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội) bị phạt 30 tháng tù; Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (đều là cựu Kiểm sát viên Đội Quản lý thị trường số 17) bị phạt lần lượt mức án là 20 tháng tù và 18 tháng tù nhưng đều cho hưởng án treo về cùng tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do, trú tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị phạt 27 tháng tù về tội “Môi giới hối lộ”.
Nhóm 31 bị cáo còn lại đều bị kết án về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, trong đó Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát - Công ty Phú Hưng Phát) bị phạt 10 năm tù. Các bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Hữu Trung (nhân viên Công ty Phú Hưng Phát), Nguyễn Mạnh Hà (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội), Đỗ Đức Tiến (Quản lý, điều hành Công ty Long Phát), Lục Văn Quán (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn In và Thương mại Hoài Đức), Nguyễn Quốc Toản (lao động tự do, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Đinh Văn Thăng (trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Văn Thắng (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Thái Việt), Nguyễn Ngọc Phương (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Thuận Phát), Nguyễn Thị Thanh (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Thương mại Thanh Phát); Nguyễn Thị Liên, Hoàng Thị Thúy Hằng, Trần Thị Thu Trang (cùng là nhân viên Công ty Phú Hưng Phát); Nguyễn Mạnh Thắng (trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Hoàng Mạnh Chiến (Giám đốc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội), Hoàng Thị Ánh Vân (Kế toán Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội), Đỗ Đức Thắng (nhân viên Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội), Lê Đình Quý (trú tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Trần Văn Hoan (trú tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Văn Thị Hiền (Chủ hộ kinh doanh cá thể Nhà sách Hiền Long), Hoàng Kim Oanh (Chủ hộ kinh doanh Hoàng Kim Oanh, ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Phan Thị Thanh Thoan (trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội), Trần Thị Lan (trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Đỗ Văn Được (trú tại xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội), Nguyễn Đình Khương (Chủ xưởng gia công sách, trú tại xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), Phan Thị Ngọc Hoàn (Chủ hộ kinh doanh cá thể Cửa hàng Sách - Văn phòng phẩm, trú tại xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), Trịnh Thị Hồng Hạnh (trú tại phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội), Lưu Hồ Thịnh (trú tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Anh (trú tại phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Nguyễn Minh Đức (Cổ đông Công ty trách nhiệm hữu hạn Tạp phẩm và vật tư ngành In), Nguyễn Văn Toàn (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và In Lâm Anh) bị phạt từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù.
Bản án sơ thẩm xác định, từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2021, Cao Thị Minh Thuận đã cùng đồng phạm đã tổ chức sản xuất hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản khác với tổng trị giá theo giá in trên bìa là hơn 260 tỷ đồng. Nhóm của Thuận đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, còn hơn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị Công an thu giữ. Tổng số thu lời bất chính là hơn 30 tỷ đồng.
Hành vi làm giả sách giáo khoa của các bị cáo thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng, gây hoang mang lo lắng cho người tiêu dùng, đặc biệt đối tượng làm giả ở đây là sách giáo khoa, gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục các em học sinh.
Trong số các bị cáo, Cao Thị Minh Thuận là người chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả tại Công ty Phú Hưng Phát, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện tội phạm, trực tiếp chỉ đạo sản xuất giúp sức cho Cao Thị Minh Thuận thực hiện hành vi sản xuất sách giả. Các bị cáo khác đóng vai trò là đồng phạm tham gia giúp sức trong việc quản lý kho hàng hóa, liên hệ các xưởng in, theo dõi công nợ, kết nối các đơn hàng…
Hành vi của các bị cáo phạm tội nhận hối lộ, môi giới hối lộ đã gây mất lòng tin vào hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, gây dư luận xã hội xấu.
Quá trình xét xử, 35/36 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Trần Hùng là người duy nhất kêu oan từ đầu tới cuối. Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho rằng cơ quan tố tụng dựa vào lời khai mâu thuẫn của Nguyễn Duy Hải để buộc tội bị cáo Hùng là không khách quan, bị cáo Hùng không có quyền hạn gì trong việc xử lý vi phạm của Công ty Phú Hưng Phát. Luật sư còn dẫn dữ liệu từ các cột sóng điện thoại của nhà mạng MobiFone, cho thấy tại thời điểm xảy ra vụ việc, bị cáo Trần Hùng đang ở quận Ba Đình (Hà Nội), còn bị cáo Hải đang ở quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Hai bên không gặp nhau, nên không thể có chuyện đưa, nhận hối lộ.
Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Hùng là Tổ trưởng Tổ 304, có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin các vụ việc vi phạm, tham mưu Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra và xử lý vi phạm.
Sau khi vụ việc Công ty Phú Hưng Phát bị phát hiện, bị cáo Cao Thị Minh Thuận liên hệ với bị cáo Hùng nhờ giúp đỡ, bị cáo Hùng ra điều kiện sẽ tha nếu Thuận chỉ ra các cơ sở vi phạm khác. Không yên tâm, bị cáo Thuận vẫn thông qua bị cáo Hải đặt vấn đề sẽ đưa tiền cho bị cáo Hùng. Sau khi nhận 300 triệu đồng, bị cáo Trần Hùng hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, từ sách giả thành sách do người khác ký gửi; đồng thời chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 17 xử lý vụ việc theo hướng mà bị cáo Thuận thay đổi lời khai. Vụ việc lẽ ra phải được chuyển sang cơ quan điều tra thì chỉ bị xử phạt hành chính.
Theo Hội đồng xét xử, mặc dù lời khai của Nguyễn Duy Hải có khác nhau về thời điểm đưa tiền, nhưng xuyên suốt đều thể hiện bị cáo Thuận thông qua bị cáo Hải đưa tiền cho bị cáo Trần Hùng, việc đưa tiền diễn ra tại phòng làm việc của bị cáo Trần Hùng. Mặt khác, Hội đồng xét xử cũng xác định lời khai của bị cáo Hải phù hợp với lời khai người làm chứng, lời khai của bị cáo Thuận và những người liên quan, phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra cũng như sơ đồ hiện trường diễn ra việc đưa tiền do bị cáo Hải tự vẽ.
Đối với dữ liệu liên quan đến cột sóng điện thoại, Hội đồng xét xử đã trích dẫn trình bày của đại diện MobiFone cho thấy chỉ với dữ liệu này thì không đủ căn cứ xác định thời điểm xảy ra vụ việc bị cáo Hùng đang ở quận Ba Đình. Do vậy, Tòa khẳng định bị cáo Trần Hùng phạm tội “Nhận hối lộ”, việc điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Hùng về tội danh này là không oan.
Về phần dân sự, Tòa xác định bị cáo Thuận đã tiêu thụ hơn 6 triệu quyển sách giáo khoa giả, thu lời bất chính hơn 30 tỷ đồng. Tòa tuyên buộc bị cáo Thuận phải nộp xung công quỹ hơn 8 tỷ đồng, các đồng phạm giúp sức được Thuận chia tiền phải nộp lại gần 22 tỷ đồng.