Cựu phó giám đốc sở giải thích ra sao việc lợi dụng Covid làm 'cơ hội kiếm thêm'?

Tự bào chữa trong vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên cho rằng bản thân không chủ định nhận hối lộ, không phải chủ mưu, đầu vụ.

Ngày 25-12, phiên tòa xét xử 17 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu tiếp tục với phần tranh luận.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị cáo buộc đã nhận hối lộ 3 lần, tổng số hơn 4,4 tỉ đồng của ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh.

Ngoài ra, bị cáo còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm trái. Bị cáo tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện 7 chuyến bay của bà Bùi Thị Kim Phụng (đại diện Công ty Fujitravell, Nhật Bản), hưởng lợi số tiền hơn 3,2 tỉ đồng.

 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Bào chữa cho bị cáo Tùng, luật sư Trang Vân thừa nhận thân chủ có lỗi khi xem chủ trương đưa công dân ở nước ngoài về nước cách ly như một cơ hội để hưởng lợi từ vị trí công tác của mình.

Tuy nhiên,luật sư cho rằng bị cáo Tùng không có khả năng để gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Bị cáo không dùng quyền lực ép ông Nghĩa phải chi tiền, mà chỉ mang tính chất đàm phán, thỏa thuận chi phí dựa trên chi phí thực tế.

Bản thân bị cáo Trần Tùng không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật hình sự. Khi làm việc với CQĐT, bị cáo có chuyển biến trong nhận thức, từ đó thành khẩn nhận tội và nhờ gia đình khắc phục hậu quả vụ án. Đến nay, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên đã khắc phục hậu quả số tiền 5,7 tỉ đồng.

Đối với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, luật sư đề nghị HĐXX đánh giá tính chất, mức độ sai phạm của bị cáo Tùng một cách đúng đắn nhất. Tại vụ án giai đoạn 1, nguyên nhân, bối cảnh chung dẫn đến những sai phạm đã được làm rõ. Các bị cáo đã thực hiện hành vi sai phạm nhưng từ thực tế quản lý nhà nước cũng cho thấy những bất cập trong cơ chế xin cho dẫn đến việc xảy ra bối cảnh chung của vụ án.

 Bị cáo Trần Tùng tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Bị cáo Trần Tùng tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Tự bào chữa, ông Tùng nói hành vi phạm tội của bản thân là do nhận thức, “không có chủ định nhận hối lộ" và luôn mặc cả giảm giá tiền các dịch vụ, hậu cần cho công dân.

Ông Tùng cho rằng đã mặc cả với doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ trọn gói 14 ngày cách ly với mức giá "bản thân nghĩ rằng là hợp lý" và chỉ mong muốn có lợi nhuận ở mức độ phù hợp.

Ngoài ra, ông Tùng trình bày quá trình triển khai đã nhận được nhiều thư từ, clip người dân nói cám ơn tỉnh Thái Nguyên, cách lý rất là tốt. Đồng thời, ông Tùng xin HĐXX khoan hồng, trước đây chưa từng làm điều gì vi phạm pháp luật cũng như hổ thẹn với lương tâm.

Ông Tùng cũng nói bản thân không có vai trò chủ mưu đầu vụ và xin tòa xem xét cho hưởng khoan hồng để có cơ hội trở về với gia đình.

Liên quan đến bị cáo Tùng, bị cáo Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt) bị VKS đề nghị mức án 2-3 năm tù về tội nhận hối lộ vì đã giúp sức cho ông Tùng nhận hối lộ 3 lần tổng số hơn 4,4 tỉ đồng. Bản thân bà Quyên hưởng lợi số tiền 300 triệu đồng.

Bào chữa cho bà Quyên, luật sư trình bày về hoàn cảnh khó khăn của bị cáo khi phải một mình nuôi con, bị trầm cảm. Hơn nữa, bị cáo là người dân tộc thiểu số nên có hạn chế về nhận thức pháp luật. Luật sư mong HĐXX cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục tranh luận.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuu-pho-giam-doc-so-giai-thich-ra-sao-viec-loi-dung-covid-lam-co-hoi-kiem-them-post826752.html