Cựu phó giám đốc sở nhận 500 triệu bị đề nghị đến 8 năm tù

Ban đầu chỉ là quan hệ quen biết với giám đốc nhưng sau nhiều lần nhận phong bì, cựu phó giám đốc Sở TN&MT và thuộc cấp đã nhiều lần làm sai.

Chiều 9-6, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xử bị cáo Đoàn Văn Phúc (cựu phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre) cùng cấp dưới nhận phong bì từ doanh nghiệp cho nhập lậu phế liệu.

Trước khi diễn ra phần tranh luận, đại diện VKSND TP.HCM đọc bản luận tội giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng của VKSND Tối cao đối với bị cáo Phúc về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. VKS đề nghị xử phạt bị cáo Phúc từ bảy đến tám năm tù.

Các bị cáo nghe VKS nêu quan điểm. Ảnh: H.Y

Các bị cáo nghe VKS nêu quan điểm. Ảnh: H.Y

Ba bị cáo từng là thuộc cấp của Phúc được xác định là đồng phạm. VKS đề nghị xử phạt bị cáo Trương Văn Em (cựu chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - BVMT), Trần Thị Thùy Trang (cựu trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm) và Trần Thanh Phong (chuyên viên phòng kiểm soát ô nhiễm - Chi cục BVMT tỉnh Bến Tre) mức án thấp nhất ba và cao nhất bảy năm tù.

Ba bị cáo Dương Tuấn Anh, Hà Chí Đào và Trần Thị Hợp (cựu nhân viên Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt) bị đề nghị từ 12-18 năm tù về tội buôn lậu.

Theo hồ sơ, Công ty Hồng Việt (trụ sở chính ở TP.HCM) chuyên nhập khẩu, tái chế phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, do ông Lê Hữu Thiêm làm giám đốc từ năm 2014 (trước khi CQĐT làm rõ vụ việc, ông Thiêm đã qua đời do tai nạn giao thông).

Tuy nhiên, ông Thiêm giao Tuấn Anh quản lý điều hành mọi hoạt động trong công ty. Dù doanh nghiệp trên chưa có dây chuyền tái chế phế liệu nhưng Trần Thanh Phong vẫn tiếp nhận hồ sơ đủ điều kiện. Sau đó, Văn Em đồng ý duyệt thông qua hồ sơ, trình Phúc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu. Những cán bộ này làm trái với quy định trong quá trình thẩm định, thông qua hồ sơ cấp giấy phép cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Phúc cùng ba cấp dưới còn đến kiểm tra cơ sở sản xuất thuộc Công ty Hồng Việt. Biết rõ công ty này không đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu để sản xuất nhưng các bị cáo không thu hồi giấy phép. Trái lại, các bị cáo còn soạn thảo 76 thông báo liên quan đến việc kiểm tra, chấp nhận thông quan lô hàng phế liệu do Công ty Hồng Việt nhập khẩu. Qua đó, Phúc nhận hơn 500 triệu đồng, ba thuộc cấp nhận từ 3-6 triệu đồng tiền "bồi dưỡng" từ doanh nghiệp.

Về phía Công ty Hồng Việt, sau khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, Tuấn Anh chỉ đạo nhân viên làm giả tài liệu trong hồ sơ hải quan để thông quan lô hàng phế liệu.

Quá trình điều tra, các bị cáo thừa nhận hành vi bị cáo buộc. Cựu phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đoàn Văn Phúc khai dù biết cơ sở sản xuất của Công ty Hồng Việt ở xã Nhơn Thạnh (TP Bến Tre) mới hình thành trên dự án, không có thiết bị công nghệ tái chế phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất. Tuy nhiên, do có quen biết với ông Thiêm, giám đốc công ty, Phúc đã ký ban hành giấy chứng nhận đủ điều kiện để nhập khẩu phế liệu vào ngày 12-1-2015. Lúc đó ông Phúc không nhận lợi ích vật chất gì.

Trong quá trình duyệt ký ban hành thông báo và tiến hành kiểm tra, phúc tra cơ sơ sản xuất ngày 28-12-2015 và 22-3-2016, Phúc đã được ông Thiêm biếu 500 triệu đồng...

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/cuu-pho-giam-doc-so-nhan-500-trieu-bi-de-nghi-den-8-nam-tu-917361.html