Cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC xin nộp tiền khắc phục thay cho nhân viên
Cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC Hoàng Thị Thúy Nga nhận trách nhiệm trước pháp luật, bị cáo không xin giảm nhẹ hình phạt cho mình, nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo từng là nhân viên dưới quyền, đồng thời xin thay họ nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Sáng 27/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phần tranh luận phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC)và những đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị cáo buộc cùng bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) đã tiếp xúc lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, qua đó xin tạo điều kiện trúng các gói thầu cung cấp thiết bị cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Sau đó, cùng với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Thúy Nga thực hiện gian lận, thông thầu. Quá trình luận tội, bị cáo Nga bị đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đề nghị mức án từ 8 - 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bào chữa cho bị cáo Nga, các luật sư cho biết, liên quan đến vi phạm tại gói thầu tại Dự án Bệnh viện đa khoa tại tỉnh Đồng Nai, bị cáo Nga khi đó chỉ là lãnh đạo Ban 1 của Công ty AIC, chứ chưa phải Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC. Bị cáo Nga chỉ “làm công ăn lương”, và làm việc theo giấy ủy quyền của người đứng đầu Công ty AIC.
Do các lãnh đạo cao nhất của Công ty AIC vẫn đang bỏ trốn nên luật sư cho rằng, trách nhiệm đè nặng lên bị cáo Nga, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét việc này.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nga cho biết thêm, thời điểm thực hiện đấu thầu ở Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo là Trưởng ban của Công ty AIC, làm việc theo các giấy ủy quyền của người đứng đầu Công ty AIC, trong đó có nội dung: “Các công việc Hoàng Thị Thúy Nga thực hiện, công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Bị cáo Nga nhận trách nhiệm trước pháp luật, bị cáo không xin giảm nhẹ hình phạt cho mình, nhưng đề nghị Hội đồng xét xử cho trình bày về các bị cáo trong vụ án này từng là nhân viên dưới quyền.
Nga cho biết, bị cáo Nguyễn Quang Minh và bị cáo Nguyễn Tiến Thu thuộc nhóm kỹ thuật của Ban 1 Công ty AIC nên hoàn toàn không biết “quân xanh” và “quân đỏ” gì cả. Hai bị cáo Minh và Thu chỉ thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo nhưng không rõ mục đích.
Đối với bị cáo Lưu Văn Phương (nhân viên kỹ thuật Công ty AIC), bị cáo Nga cho biết, có thể Phương đã vi phạm vì gửi hồ sơ thiết kế tới công ty khác, nhưng đây là hành vi nhỏ. Khẳng định bị cáo Phương có liên quan gói thầu số 7 ở tỉnh Đồng Nai, nhưng bị cáo Nga cho rằng, gói thầu này Công ty AIC tham gia công khai, minh bạch, không có thông thầu hay khuất tất gì.
Về vai trò của bị cáo Nguyễn Tấn Sỹ (kỹ sư Công ty AIC), bị cáo Nga nhận thấy, bị cáo Sỹ không tham gia lập hồ sơ thầu mà chỉ mua và nộp hồ sơ dự thầu. Việc này dù lắt léo một chút cũng nhưng không làm thay đổi kết quả trúng thầu của Công ty AIC.
Từ lời bào chữa của mình, bị cáo Nga mong Hội đồng xét xử xem xét cho 4 bị cáo trên được hưởng án treo để trở về với gia đình, tiếp tục công việc chuyên môn. Lý do bị cáo Nga đưa ra là “4 bị cáo là kỹ sư, giỏi chuyên môn”.
4 bị cáo trên bị cáo buộc tham gia lập hồ sơ, thông thầu nên bị đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đề nghị hình phạt từ 3 - 4 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài 4 bị cáo trên, bị cáo Nga cũng mong Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác từng là nhân viên dưới quyền của Nga như: Hoàng Thế Quỳnh (nhân viên Công ty AIC), Lê Thị Hương (Phó trưởng Ban Kế toán Công ty AIC).
Cùng với lời tự bào chữa và bào chữa thêm cho các bị cáo dưới quyền, bị cáo Nga còn tác động tới chồng và người thân nộp tiền khắc phục hậu quả thay một số nhân viên AIC, với mong muốn giúp họ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong vụ án.