Cựu sĩ quan Anh nói về thách thức của Ukraine kể cả khi nhận viện trợ 'khủng' từ Mỹ
Theo cựu sĩ quan Anh, viễn cảnh xấu mà Ukraine có thể sắp phải đối mặt có liên quan đến tình hình thực tế chiến trường và kết quả bầu cử ở các nước đồng minh, đặc biệt là Mỹ và Anh.
Cựu sĩ quan quân đội Anh Richard Kemp: Israel National News
Mùa hè năm ngoái, Ukraine và phương Tây kỳ vọng rất cao rằng cuộc phản công lớn của Ukraine sẽ thành công, tạo tiền đề cho việc đẩy lùi quân Nga. Nhưng điều đó không xảy ra.
Cuộc phản công của Ukraine thất bại và giành lại rất ít lãnh thổ. Trong một bài viết trên Telegraph đăng ngày 23/4/2024, cựu sĩ quan quân đội Anh Richard Kemp cho rằng, thất bại đó là hệ quả rõ ràng từ việc phương Tây không cung cấp viện trợ quân sự đầy đủ cho Kiev.
Thất bại đó cũng dẫn đến các hệ lụy ở Mỹ và châu Âu. Ông Biden gặp khó khăn với việc thông qua gói viện trợ bổ sung cho Ukraine do vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa. Các quốc gia châu Âu cũng lưỡng lự trong việc tăng cường viện trợ cho Kiev.
Theo ông Kemp, sự kết hợp giữa tổn thất to lớn của Ukraine và tình trạng thiếu đạn dược đã giúp các lực lượng Nga thiết lập lại thế tấn công và thế chủ động trên khắp vùng chiến sự.
Với các bước tiến ngày càng tăng, các lực lượng Nga đã buộc quân Ukraine phải rời bỏ mặt trận, cũng như gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng của Ukraine thông qua các cuộc không kích.
Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Telegraph
Gần đây, cả Mỹ và Anh đều công bố các gói viện trợ đáng kể cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không, tên lửa tấn công tầm xa và đạn dược.
Với điều kiện việc chuyển giao vũ khí diễn ra nhanh chóng, số vũ khí này có thể giúp Ukraine ổn định tiền tuyến và giúp Kiev bảo vệ cơ sở hạ tầng trong nước trước các đợt không kích của Nga.
Ông Kemp cho rằng, viện trợ của Mỹ và Anh đến vào thời điểm quan trọng khi Ukraine có thể phải đối mặt với một cuộc tấn công lớn của Nga vào mùa hè năm nay.
Theo ông Kemp, dù các gói viện trợ mới của Mỹ và Anh có thể giúp Ukraine làm giảm mức độ thiệt hại do cuộc tấn công đó, nhưng chúng không đủ để cho phép Kiev giành được thế chủ động, quay lại tấn công Nga trên chiến trường.
Một lý do giải thích cho lập luận trên được ông Kemp đưa ra là Nga đã đạt ưu thế trên không ở nhiều khu vực của Ukraine. Một lý do khác là Ukraine dường như đã quá mệt mỏi vì thiếu quân trong xung đột. Sau hơn 2 năm chiến đấu, Ukraine dường như vẫn chưa thể triển khai đợt huy động lớn mà nước này cần.
Theo cựu sĩ quan Anh, các thách thức trước mắt của Ukraine gần như là không thể vượt qua. Nga có nền kinh tế thời chiến đang phát triển nhanh chóng và đã xây dựng được lực lượng quân sự khổng lồ. Nếu Moscow đạt được thành công đáng kể trong mùa hè năm nay, phương Tây sẽ có xu hướng không muốn chi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.
Viễn cảnh đó sẽ trở nên tệ hơn do sự không chắc chắn gia tăng xung quanh cuộc bầu cử ở Mỹ (diễn ra vào hơn 6 tháng nữa) và cuộc bầu cử ở Anh (trước 28/1/2025). Ông Kemp cho rằng, có vẻ như Nga khởi đầu xung đột không như ý nhưng cuối cùng nước này có thể đạt mục tiêu đề ra trong xung đột nhờ sự quyết tâm đến cùng, điều mà các đồng minh phương Tây của Ukraine còn thiếu.