Cứu sống bệnh nhân bị thanh sắt đâm xuyên não

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh L.V.C (20 tuổi, Lai Châu) nhập viện do tai nạn xe máy bị thanh sắt đâm xuyên mặt. Thanh sắt có chu vi 12mm và dài 12cm đâm xuyên qua mặt bệnh nhân, từ xoang sàng xuyên qua mũi, mắt rồi xuyên vào trong não.

Bệnh nhân được rút dị vật thành công.

Bệnh nhân được rút dị vật thành công.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh L.V.C (20 tuổi, Lai Châu) nhập viện do tai nạn xe máy bị thanh sắt đâm xuyên mặt. Thanh sắt có chu vi 12mm và dài 12cm đâm xuyên qua mặt bệnh nhân, từ xoang sàng xuyên qua mũi, mắt rồi xuyên vào trong não.

Người nhà người bệnh cho biết, khi L.V.C đang đi xe máy thì bất ngờ ngã vào thanh sắt của hàng rào bên đường. C. phải giữ tư thế bất động vì mặt bị ghim vào hàng rào và chờ các bác sĩ bệnh viện địa phương mang máy cưa đến cưa thanh sắt ra khỏi hàng rào, sau đó chuyển bệnh nhân trong tình trạng bị thanh sắt đâm xuyên mặt đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

ThS, BS Vũ Trung Trực, Phó Trưởng khoa Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, người bệnh đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng huyết động ổn nhưng tinh thần hoảng loạn, chấn thương sọ não, tổn thương mắt (giãn đồng tử, liệt vận nhãn).

Bệnh nhân đã được hội chẩn liên khoa để đánh giá vị trí của dị vật. Các bác sĩ xác định thanh sắt của hàng rào đâm vào từ dưới mắt trái, xuyên qua mũi, xoang sàng, qua hốc mắt và đỉnh hốc mắt phải sau đó xuyên thủng tầng giữa nền sọ vào thùy thái dương bên phải của não.

Thanh sắt xuyên qua tổ chức não chỉ cách động mạch cảnh trong là động mạch chính cấp máu cho não khoảng 5mm. Nếu động mạch cảnh trong bị tổn thương, thì người bệnh khó có thể duy trì được tính mạng.

 Hình ảnh dị vật xuyên qua mặt lên não.

Hình ảnh dị vật xuyên qua mặt lên não.

Ngoài ra, ở phần đầu của thanh sắt vị trí trong não có phần móc cạnh sắc, nguy cơ khi rút ra khỏi đầu bệnh nhân sẽ cắt vào mạch máu não gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng. Làm thế nào để có thể rút được dị vật ra đồng thời tránh được nguy cơ tổn thương mạch não là một thách thức không nhỏ đối với các bác sĩ.

Bệnh nhân được đưa vào phòng can thiệp mạch kịp thời với sự tham gia phối hợp của kíp bác sĩ đa chuyên khoa: thần kinh, tạo hình hàm mặt, mắt, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức. Với hệ thống máy can thiệp mạch hiện đại, chụp mạch máu theo không gian ba chiều, xác định chính xác vị trí dị vật liên quan đến mạch máu não, dị vật được rút ra.

TS, BS Lê Thanh Dũng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nếu mạch máu não bị tổn thương trong quá trình rút dị vật, ngay lập tức được tiến hành can thiệp cầm máu. Trường hợp can thiệp mạch thất bại, người bệnh sẽ ngay lập tức được đẩy thẳng vào phòng mổ để kíp phẫu thuật thần kinh mở hộp sọ kiểm soát”.

Sau phẫu thuật rút dị vật, đối với chấn thương hàm mặt, vết thương phần ngoài của bệnh nhân đã được xử lý, cần theo dõi thêm phần xuyên qua xoang sàng, xoang hàm, hốc mũi. Khi rút dị vật ra, bác sĩ tạo hình hàm mặt đã đưa meche mũi vào giúp cầm máu. Khoảng 3-4 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được rút meche và tiếp tục theo dõi xử lý các biến chứng nếu có.

ThS, BS Vũ Trung Trực, người trực tiếp rút dị vật, chia sẻ thêm, các bác sĩ thực sự đã rất hồi hộp và chỉ thở phào sau khi rút thành công dị vật cho người bệnh. Nhờ có trang thiết bị hiện đại, ê-kíp phẫu thuật có thể tính toán rút thanh sắt ra theo hướng nào và với góc bao nhiêu độ để giảm thiểu nguy cơ tổn thương mạch não.

ĐẶNG LUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/cuu-song-benh-nhan-bi-thanh-sat-dam-xuyen-nao-637303/