Cứu sống bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, căn bệnh liên quan đến thói quen nhiều người mắc phải

Sau 5 ngày điều trị tích cực, người bệnh đáp ứng thuốc, cải thiện tri giác, giảm đau đầu, ăn uống bằng miệng được, thỉnh thoảng còn kích động.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhân nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Trước đó, bệnh nhân C.V.T (sinh năm 1975, ở tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) được chuyển từ y tế địa phương đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Tại thời điểm nhập viện ở Khoa Cấp cứu, nam bệnh nhân có các biểu hiện sốt, ù tai, đau đầu dữ dội, sinh hiệu tạm ổn.

Nam bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Nam bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Người thân bệnh nhân T. cho biết, anh V.T thường xuyên ăn thịt lợn, đặc biệt phần đầu và nội tạng, gia đình còn chăn nuôi gà số lượng lớn.

Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, xét nghiệm dịch não tủy, ekip bác sĩ chẩn đoán trường hợp này bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn.

Nam bệnh nhân được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU) theo phác đồ viêm màng não: Kháng sinh phối hợp liều cao thấm qua hàng rào máu não, corticoid kết hợp với một số biện pháp hỗ trợ khác như dinh dưỡng nâng tổng trạng, chống loạn thần…

Sau 5 ngày điều trị tích cực, người bệnh đáp ứng thuốc, cải thiện tri giác, giảm đau đầu, ăn uống bằng miệng được, thỉnh thoảng còn kích động.

Qua xét nghiệm tình trạng nhiễm trùng giảm rõ rệt, xét nghiệm dịch não tủy lần 2 cho kết quả khả quan, các chỉ số nhiễm trùng cải thiện tốt.

Theo BS.CKII. Nguyễn Thị Thùy Mỵ, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU), Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long thì nhiễm khuẩn liên cầu khuẩn lợn là những bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên và có thể lây cho người. Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn.

Triệu chứng ban đầu có thể nhẹ, không đặc trưng như: đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn và đi tiêu phân lỏng… dễ lầm tưởng rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thùy Mỵ cho biết thêm, nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể chủ động phòng tránh được nếu mọi người có lối sống, sinh hoạt khoa học, giữ gìn vệ sinh chung, đặc biệt trẻ em nên tiêm vắc xin ngừa viêm màng não sớm.

Đồng thời, bác sĩ My khuyến cáo, mỗi gia đình và từng cá nhân phải ăn chín, uống sôi; không sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm bị bệnh, chết, nội tạng không đảm bảo vệ sinh; không nên ăn thịt tái, tiết canh...

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/suc-khoe/cuu-song-benh-nhan-nhiem-lien-cau-khuan-lon-202110240613432192.html