Cứu sống bệnh nhân vỡ tá tràng 2 đoạn đặc biệt phức tạp
Ngày 14-8, Bệnh viện Đa Khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ cho biết, các bác sĩ (BS) của BV vừa cứu sống bệnh nhân bị vỡ tá tràng 2 đoạn đặc biệt phức tạp do tai nạn giao thông (TNGT).
Theo đó, rạng sáng 2-8, BVĐKTƯ Cần Thơ tiếp nhận một trường hợp đặc biệt với tổn thương tá tràng ở 2 vị trí. Bệnh nhân là anh Trần Quan Bạc (SN 1999, ngụ Sóc Trăng), điều khiển xe gắn máy tông vào đuôi xe tải; phần bụng trên đập trực tiếp vào tay lái khiến anh Bạc đau bụng dữ dội.
Bệnh nhân được chuyển đến BVĐKTƯ Cần Thơ với chẩn đoán chấn thương tụy; theo dõi vỡ tạng rỗng; theo dõi chấn thương sọ não do TNGT.
Lúc vào viện, bệnh nhân trong tình trạng sốc nặng do mất máu, thở oxy, vết thương mũi 3cm, xây xát da vùng bụng trên rốn, đề kháng khắp bụng. Siêu âm bụng cho thấy có nhiều dịch ổ bụng kém thuần trạng.
Chụp cắt lớp vi tính có hơi tự do ổ bụng; hơi và máu tụ sau phúc mạc cạnh tá tràng, tụy, dày thành ruột non; dịch ổ bụng nhiều. Nhận định đây là trường hợp nặng, tổn thương cực kỳ phức tạp, BV tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa và quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.
Trong lúc mổ, ổ bụng bệnh nhân có 800ml máu loãng, 800 gram máu cục, tụ máu sau phúc mạc lan rộng xuống hố chậu hai bên và mạc treo ruột non. Xác dịnh tá tràng đoạn D1 vỡ 30% chu vi kèm dập nát môn vị.
Trong chấn thương bụng kín khi thám sát ổ bụng điều BS sợ nhất là bỏ sót tổn thương. Trường hợp này bệnh nhân có chỉ định mở thám sát khối máu tụ và phát hiện tiếp tá tràng D4 vỡ gần đứt đôi, có một mạch máu đang chảy (độ III-AAST của Hiệp hội phẫu thuật chấn thương Hoa Kỳ).
Đây là trường hợp rất hiếm gặp do vỡ tá tràng 2 đoạn D1 và D4 giữa thân tụy dập nát tẩm nhuộm máu. Sau khi cầm máu, làm sạch máu trong ổ bụng và máu tụ sau phúc mạc, thám sát không ghi nhận thêm tổn thương khác. Đoạn tá tràng D1 và D4 được cắt bỏ.
Tiếp đó, các bác sĩ đóng mỏm tá tràng D2, lập lại lưu thông tiêu hóa bằng nối ruột non với dạ dày kiểu Roux-en-Y, nối ruột non với tá tràng D3 kiểu Roux-en-Y; dẫn lưu khung tá tràng ngược dòng, tạo hình lại góc Treizt…
Trong và sau mổ bệnh nhân được truyền tổng cộng 5 đơn vị khối hồng cầu, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, cùng với dịch truyền, kháng sinh và giảm đau. Hiện, hậu phẫu ngày thứ 13 bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, sinh tồn ổn định, ăn uống được… có thể cho xuất viện trong vài ngày tới.
Theo BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn BVĐKTƯ Cần Thơ, hiện Khoa Ngoại tổng quát của BV đã thực hiện hơn 70 trường hợp cắt khối tá tụy cho các tổn thương u ác tính quanh bóng Vater (ung thư tụy, ung thư bóng Vater, ung thư đoạn cuối ống mật chủ, ung thư tá tràng); các tổn thương lành tính (viêm tụy mạn) và chấn thương tá tụy nặng độ V.
Trong 2 năm qua, song song với mổ mở kinh điển, Khoa Ngoại tổng quát đã triển khai ứng dụng phẫu thuật nội soi hỗ trợ cho cắt khối tá tụy trên 10 trường hợp (phẫu thuật Whipple).
"Đây được coi là một ca đại phẫu thuộc loại phức tạp nhất trong ổ bụng vì quá trình phẫu thuật phải cắt bỏ, khâu nối nhiều miệng đường tiêu hóa, có tỷ lệ biến chứng rất cao… Kết quả bước đầu thu được khá tốt", BS Phong chia sẻ.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/cuu-song-benh-nhan-vo-ta-trang-2-doan-dac-biet-phuc-tap-557290/