'Cứu' sông Mê Kông bằng kinh tế tuần hoàn

Dự án thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ được kỳ vọng sẽ giảm khoảng 300 – 400 tấn rác thải mỗi năm xả ra dòng sông Mê Kông.

Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ.

Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ.

Chợ nổi, du lịch sông nước là những nét đẹp của văn hóa truyền thống miền Tây, tạo ra tiềm năng lớn thu hút khách du lịch với mô hình du lịch nông nghiệp, trải nghiệm.

Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường đang là nguyên nhân khiến mô hình du lịch này không phát huy được hiệu quả. Triển khai cung cấp dịch vụ chèo thuyền trên sông Mê Kông, một doanh nghiệp du lịch miền Tây kể lại phản hồi của khách hàng là “dòng sông rất đẹp nhưng chèo thuyền tới đâu là rác tới đó”.

Không chỉ đánh mất tiềm năng du lịch, rác thải còn phá hoại môi trường sống của sinh vật, làm bẩn nguồn nước phục vụ sinh hoạt và canh tác nông nghiệp. Rác theo dòng sông đổ ra biển, tiếp tục đe dọa tới nguồn lợi kinh tế biển.

Những tác nhân ô nhiễm cực kỳ nguy hiểm đối với miền Tây, vốn là vùng đồng bằng trẻ chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu và đang chìm “theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”.

Nhằm “cứu” dòng sông Mê Kông khỏi ô nhiễm, mới đây dự án Vì sông Mê Kông không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ đã chính thức được khởi động. Dự án do công ty Dow Việt Nam tài trợ, triển khai thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên và phát triển nông thôn.

Dự án đặt mục tiêu giảm khoảng 300 – 400 tấn rác thải nhựa mỗi năm thải ra trên dòng sông Mê Kông, từ đó bảo tồn hệ sinh thái khu vực, cải thiện môi trường sống và sinh kế của khoảng 150 nghìn người sinh sống tại địa phương triển khai thí điểm dự án là quận Bình Thủy và quận Cái Răng thuộc TP. Cần Thơ.

Trong giai đoạn đầu tiên, dự án triển khai quản lý các nguồn xả rác chính vào dòng sông Mê Kông tại Cần Thơ, qua đó tiếp tục nhân rộng tới các địa phương khác trong lưu vực sông cũng như trên toàn quốc.

Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn quản lý rác thải nhựa được Dow Việt Nam cùng một số doanh nghiệp khác ký kết với Bộ Tài nguyên và môi trường.

Nói về dự án, ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng giám đốc Dow Việt Nam, kỳ vọng, những kết quả đạt được sẽ trở thành bài học kinh nghiệm quý giá để thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt là công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Dự án cũng thể hiện nỗ lực của khu vực tư nhân đóng góp vào mục tiêu giảm 75% rác thải nhựa đại dương vào năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cuu-song-me-kong-bang-kinh-te-tuan-hoan-1652872982543.htm