Cứu sống người phụ nữ ngừng tim sau 1 vết đốt
Sau 10 phút bị ong đốt, bà C. bỗng thấy choáng váng, rồi rơi vào trạng thái mất ý thức.
Trả lời Vietnamnet, BS Phạm Sơn Lâm, khoa Hồi sức tim mạch, Viện tim mạch, Bệnh viện 108 cho biết bệnh viện vừa cấp cứu kịp thời cho 1 bệnh nhân bị hôn mê bất tỉnh do ong đốt.
Trước đó, bệnh nhân N.C., 60 tuổi, ở Hà Nội, được Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị, gia đình phát hiện bà đột nhiên bước đi loạng choạng, hôn mê bất tỉnh, ngừng tuần hoàn.
Ban đầu các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, chỉ định nhập viện điều trị tại Khoa Hồi sức tim mạch. Lúc này, bệnh nhân gọi biết nhưng vẫn rất lơ mơ và chậm, không tiếp xúc được, huyết áp thấp, phải tăng liều vận mạch.
"Các bác sĩ tại khoa rất đắn đo có nên chụp động mạch vành cấp cứu theo hướng ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp hay không", BS Lâm nhớ lại.
Các bác sĩ đã quyết định siêu âm và đánh giá toàn trạng bệnh nhân, bệnh nhân có biểu hiện của thoát mạch phản vệ, phù nề mí mắt và vùng mặt, xung huyết da toàn thân, có biểu hiện của khó thở rít vùng họng. Được biết, bà C. không bị dị ứng với bất kỳ thứ gì, tuy nhiên bà C xuất hiện tình trạng thiếu dịch lòng mạch nặng, bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nguy kịch do một loại độc chất nên lập tức chuyển hướng cấp cứu sốc phản vệ.
Vài giờ sau, khi bệnh nhân dần hồi phục, tỉnh táo, bà C. kể lại bị một con ong đốt vào đùi. Vết đốt đau nhói dữ dội, sau đó chừng 10 phút, bà thấy người loạng choạng, choáng váng, tím tái toàn thân rồi mất ý thức. May mắn bệnh nhân C. được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, các thuốc vận mạch và xuất viện sau 3 ngày điều trị.
Theo báo Giao Thông, nọc ong rất nguy hiểm với cơ thể con người, người bị ong đốt nhiều mũi thường bị tím tái, sốc, trụy tim mạch, thậm chí dẫn đến tử vong rất đáng tiếc. Nếu được sơ cứu kịp thời và đúng cách, nhiều người sẽ qua được cơn nguy hiểm, bởi vậy sau khi bị ong đốt, người thân cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong.
Đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể. Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ, làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể. Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để làm giảm đau và giảm sưng.
Cho nạn nhân uống nước để thải bớt độc tố. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, đặc biệt khi có các biểu hiện bệnh nặng hơn. Tuyệt đối, không được tự dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược), không cố tìm vôi để bôi vì tốn thời gian, không tốt nếu vết cắn nhiều, vết đốt ở mặt, cổ, miệng.
Trang Dung (Tổng hợp)