Cứu sống nhiều trẻ mắc tay chân miệng

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa tiếp nhận và cứu sống 4 trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng với triệu chứng nặng.

 Trẻ được điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC.

Trẻ được điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC.

Trường hợp thứ nhất là N.G.L. (8 tháng tuổi, nam, Vĩnh Long). Trường hợp thứ hai là P.H.T. (24 tháng tuổi, nam, Trà Vinh. Hai bé này đều được ghi nhận bệnh sử bị bệnh 3 ngày.

Trong 2 ngày đầu, bệnh nhi có những triệu chứng như sốt, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân. Ngày thứ ba, trẻ sốt, giật mình, chới với, phải nhập viện.

Trường hợp thứ ba (bé P.Đ.K., 3 tuổi, nam, An Giang) và thứ tư (N.N.H.M., 6 tuổi, nữ, Bà Rịa - Vũng Tàu) đều có bệnh sử 4 ngày với các triệu chứng đặc trưng của bệnh tay chân miệng.

Với 3 trường hợp đầu tiên, bệnh viện địa phương chẩn đoán trẻ mắc tay chân miệng độ 3, điều trị theo phác đồ nhưng không đỡ nên chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Trường hợp thứ tư được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 2b. Bệnh viện địa phương xử trí hạ sốt và chuyển tuyến cho trẻ.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cả 4 trẻ đều có xét nghiệm PCR phết họng trực tràng đều cho kết quả nhiễm EV71. Các bệnh nhi được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 3 hoặc độ 4 với các triệu chứng điển hình như sốt cao, nhịp tim tăng cao, nôn... Riêng trường hợp thứ nhất, bệnh nhi có xét nghiệm men tim tăng cao, men gan tăng nhẹ, toan chuyển hóa nặng.

Các bác sĩ tiến hành xử trí đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc điều hòa miễn dịch gammaglobuline, milrinone, an thần midazolam, hạ sốt. Ngoài ra, bệnh nhi N.G.L. được tiến hành lọc máu liên tục trong khi trẻ N.N.H.M. cần xử trí chống rung giật, chống phù não.

Sau 2-4 ngày điều trị, các bệnh nhi hạ sốt, giảm nhịp tim, huyết động ổn định...

Qua các trường hợp trên, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố lưu ý phụ huynh khi thấy con biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân, mông, gối, loét miệng, thêm xuất hiện một trong các triệu chứng giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thường, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, da nổi bông (vân tím), xanh tái, lơ mơ, co giật… cần đưa trẻ tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa bệnh cho trẻ, phụ huynh cần giúp con vệ sinh cá nhân, ăn uống chín, không dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn, bàn chải đánh răng, chén bát đũa muỗng…). Ngoài ra, người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ sau thay quần áo, tã lót trẻ; tiếp xúc phân, nước tiểu, nước bọt; trước và sau chế biến thức ăn. Cha mẹ cũng cần rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, thanh vịn, nắm cửa…

Bên cạnh đó, phụ huynh hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trước và sau ăn, sau chơi đồ chơi. Trẻ lớn rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc tay bẩn. Gia đình cần cách ly trẻ bị bệnh trong 8-10 ngày, cho con nghỉ học, tránh làm vỡ mụn nước gây lây lan bệnh.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/cuu-song-nhieu-tre-mac-tay-chan-mieng-post1440831.html