Cứu sống nữ sinh hôn mê sâu vì căn bệnh tưởng chỉ có ở người già
Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa cứu sống kịp thời một bệnh nhi 13 tuổi bị hôn mê sâu, nguy kịch do mắc bệnh đái tháo đường - bệnh mà nhiều người thường nghĩ là bệnh lý của người lớn.
Vượt qua cơn nguy kịch
Thông tin từ bệnh viện cho biết, bé gái Đ.T.P.L. (đang là học sinh lớp 7, trú tại huyện Yên Thành) nhập viện (ngày 16/3) với các triệu chứng: bị sốc, mắt trũng sâu, mạch, huyết áp không đo được, đồng tử 2 bên 2mm, phản xạ ánh sáng kém, hôn mê sâu, nguy kịch.
Gia đình bệnh nhân cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh nhân có dấu hiệu giảm cân rất nhanh, 5kg/tháng; thường xuyên mệt mỏi, luôn khát nước, uống nhiều, tiểu tiện liên tục, nhưng chưa khám và điều trị bệnh cụ thể.
Qua xét nghiệm cho thấy, chỉ số đường máu lúc vào viện là 72.85 mmol/l (bình thường là 3,4-6,2 mmol/l), HbA1c 10.4%, êkip hội chẩn thống nhất chẩn đoán bệnh nhân bị sốc giảm thể tích, toan ceton do đái tháo đường.
Nhanh chóng, trẻ được điều trị thở máy, nhịn ăn, bù dịch theo phác đồ, sử dụng 3 loại thuốc vận mạch adrenalin, noradrenalin, dobutamin, sử dụng insulin truyền tĩnh mạch, theo dõi đường huyết, nước tiểu và điện giải theo từng giờ.
Sau 6 ngày thở máy, điều chỉnh đường huyết và insulin, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện, huyết động ổn định, không dùng vận mạch, đường máu ổn định, phản xạ tốt, được tiến hành cai máy, thở oxy.
Sau cai máy 1 ngày trẻ tỉnh táo, tự thở, được tập cho ăn đường miệng, chuyển insulin duy trì tĩnh mạch sang insulin tiêm dưới da theo cữ. Dần dần, trẻ qua được cơn nguy kịch, và được chuyển điều trị y học cổ truyền kết hợp chuyên ngành nội tiết.
Đái tháo đường có xu hướng tăng lên ở trẻ em
Các bác sĩ cho biết, hiện nhiều người thường nghĩ đái tháo đường là bệnh lý của người lớn, nhưng thực tế đái tháo đường có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và có xu hướng tăng lên ở trẻ em.
Theo các bác sĩ, đái tháo đường là tình trạng đường máu tăng cao (đường máu lúc đói > 7 mmol/l và sau ăn trên 11 mmol/l). Đái tháo đường có 2 type phổ biến là type 1 và type 2, ở trẻ em chủ yếu là đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin.
Các biểu hiện hay gặp ở trẻ đái tháo đường là trẻ hay khát nước, uống nhiều nước, đi tiểu nhiều, tiểu đêm thường xuyên, sụt cân, mệt mỏi, thay đổi cảm xúc.
Do đó, nếu các bậc phụ huynh phát hiện thấy con em mình có các biểu hiện như trên thì cần đưa các cháu đến cơ sở y tế có chuyên khoa nội tiết để khám và điều trị kịp thời tránh để các biến chứng đáng tiếc xảy ra.