Cứu thanh niên bị mảnh vỡ bóng đèn huỳnh quang găm vào mắt
Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Đà Lạt vừa tiếp nhận cấp cứu kịp thời một trường hợp bị tai nạn lao động mảnh vỡ bóng đèn huỳnh quang găm vào mắt.
Bệnh nhân là anh D.M.T (27 tuổi, ngụ phường Xuân Hương – Đà Lạt, Lâm Đồng), được đồng nghiệp đưa đến cấp cứu trong tình trạng mắt đau nhức, chảy máu bên trong, nhìn mờ hoàn toàn. Tai nạn xảy ra khi anh đang sửa bóng đèn huỳnh quang trên trần nhà thì bóng đèn đột nhiên phát nổ khiến mảnh vỡ thủy tinh ghim vào mắt, không thể nhìn thấy.

Bệnh nhân được thăm khám sau khi khâu giác mạc-củng mạc cấp cứu (Nguồn: Bệnh viện Mắt Sài Gòn-Đà Lạt)
Tại bệnh viện, qua kiểm tra, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị chấn thương xuyên thủng nhãn cầu mắt trái, xuất huyết tiền phòng toàn bộ, rách giác mạc-củng mạc ở vùng rìa vị trí 2 giờ. Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân đã được xử trí cấp cứu kết hợp điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm toàn thân tại chỗ và nhanh chóng được đưa đi khâu giác mạc-củng mạc. Sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân đã dần tạm ổn, tuy nhiên vẫn cần được theo dõi sát sao các vấn đề về viêm nhiễm, các bất thường về cấu trúc thủy tinh thể, dịch kính võng mạc, đồng thời theo dõi tình trạng nhãn viêm đồng cảm có thể xảy ra ở mắt còn lại.
BS Trần Thị Khánh Linh, Phó Giám đốc chuyên môn Mắt Sài Gòn - Đà Lạt, cho biết chấn thương xuyên thủng nhãn cầu như của bệnh nhân là một dạng tổn thương nặng trong nhãn khoa, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc nhãn cầu mà còn có thể gây mất thị lực không hồi phục nếu xử trí chậm trễ. Trong trường hợp này, mảnh vỡ thủy tinh từ bóng đèn huỳnh quang có cạnh sắc nhọn dễ gây rách giác mạc và tổn thương sâu vào lớp củng mạc, dẫn đến xuất huyết và nguy cơ viêm nhiễm nội nhãn rất cao.

Mắt bệnh nhân sau khi điều trị một ngày (Nguồn: Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Đà Lạt)
"Những tai nạn thế này cần cấp cứu càng sớm càng tốt tại cơ sở chuyên khoa mắt có đầy đủ trang thiết bị. Tránh tự ý nhỏ thuốc hay rửa mắt tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, không được dụi mắt hay cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt làm dị vật đi sâu vào trong nội nhãn, gây khó khăn trong quá trình điều trị. Đồng thời, sử dụng kính bảo hộ đạt chuẩn trong quá trình sửa chữa, cắt gọt, làm việc với các thiết bị điện hoặc thủy tinh" - BS Linh khuyến cáo.