Cứu thanh niên trẻ bị tai nạn xe máy đa chấn thương phức tạp
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc đa chấn thương do chấn thương eo động mạch chủ type 3 tràn máu màng phổi trái nhiều, chấn thương ổ bụng, vỡ lách độ 2, đụng dập bàng quang, vỡ xương cánh chậu.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp người bệnh M.V.L (nam, 17 tuổi), bị tai nạn giao thông xe máy được chuyến đến từ bệnh viện tuyến dưới, trong tình trạng đau ngực nhiều với chẩn đoán đa chấn thương: chấn thương ngực kín, chấn thương bụng, chấn thương khung chậu, theo dõi chấn thương động mạch chủ.
Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành thăm khám, chụp cắt lớp vi tính, chẩn đoán sốc đa chấn thương do chấn thương eo động mạch chủ type 3 tràn máu màng phổi trái nhiều, chấn thương ổ bụng, vỡ lách độ 2, đụng dập bàng quang, vỡ xương cánh chậu.
Nhận thấy tính phức tạp của chấn thương và nguy cơ tử vong cao của người bệnh, các bác sĩ đã quyết định sẽ tạm thời điều trị nội khoa các chấn thương vùng bụng và khung chậu, ưu tiên cho chỉ định can thiệp nội mạch (đặt stent graft) động mạch chủ ngực cấp cứu. Người bệnh được chuyển vào phòng can thiệp tim mạch trong tình trạng tỉnh, nhợt, mạch nhanh, kích thích, đau ngực nhiều.
Người bệnh được can thiệp luồn 01 stent-graft/ống ghép nội mạch có màng bọc từ đường động mạch đùi lên để che ổ giả phình/ổ chấn thương eo động mạch chủ xuống, có mở cửa sổ cho động mạch dưới đòn trái.
Sau can thiệp người bệnh đã được dẫn lưu màng phổi trái ra khoảng gần 500ml máu cũ. Hiện tại L. có thể tự thở, huyết động tạm ổn với các thương tổn ổ bụng được kiểm soát.
ThS.BS Nguyễn Tùng Sơn - Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Chấn thương động mạch chủ rất nặng và ít gặp, hầu hết trong bệnh cảnh đa chấn thương, nếu không xử trí gì thì nguy cơ tỉ lệ tử vong trong 6 tiếng đầu là 24%, và lên đến 50% trong 24 tiếng đầu đối với các chấn thương nặng. Đây là căn bệnh hiếm gặp trước đây, tuy nhiên hiện nay với sự phổ biến của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, hầu hết tình trạng chấn thương nặng - đặc biệt là chấn thương gia tốc (đi tốc độ cao, ngã cao, va chạm tốc độ cao) đều được chụp cắt lớp vi tính đa dãy để sàng lọc chẩn đoán, giúp phát hiện sớm thương tổn và lên kế hoạch điều trị".
Trước đây đối với chấn thương động mạch chủ chỉ có phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn cho thể nhẹ (type I,II) và phẫu thuật với thể nặng (type III, IV). Phẫu thuật mở ngực, chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể với mục đích để tim bệnh nhân ngừng đập, sau đó cắt và thay đoạn mạch trong lồng ngực. Đây là phẫu thuật rất nặng, tỷ lệ tử vong cao kèm theo liệt tủy và thời gian hồi sức sau mổ kéo dài.
Với sự phát triển của y học hiện đại, 10 năm gần đây các bác sĩ không sử dụng phương pháp phẫu thuật mà dùng phương pháp can thiệp nội mạch, đặt stent-graft hay còn gọi là luồn ống ghép nội mạch. Tất cả dụng cụ chỉ bé bằng đầu bút và luồn tất cả đi bằng đường đùi qua mạch máu đùi lên phía trên ngực, khi vào đúng vị trí người ta sẽ mở stent-graft (ống ghép nội mạch) và có thể che phủ toàn bộ tổn thương mà không cần phải mổ mở, bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, thời gian hồi sức ngắn hơn.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực chia sẻ, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phát triển một kỹ thuật đặc biệt từ vài năm gần đây trong can thiệp vùng quai động mạch chủ - kỹ thuật mở cửa sổ: Dùng bút điện mở lỗ trên thân stent trước khi can thiệp để tạo ra cửa sổ cấp máu cho động mạch dưới đòn bên trái – nơi sẽ bị ống ghép nội mạch che kín khi can thiệp, người bệnh không phải mổ bắc cầu hay tái thông lại động mạch mà vẫn giữ được dòng máu chảy vào động mạch dưới đòn. Đặc biệt ở những bệnh nhân trẻ có nhu cầu sử dụng tay trong lao động nặng, đồng thời làm giảm nguy cơ biến chứng liệt tủy, tắc động mạch đốt sống và yếu liệt 2 chân sau đặt stent.
Hiện tại, kỹ thuật đặt stent-graft động mạch chủ ngực đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cả theo chương trình lẫn trong cấp cứu. Đây cũng là cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật can thiệp nội mạch cho chấn thương động mạch chủ ngực nhiều nhất tại Việt Nam với số lượng gần 60 ca. Bên cạnh đó, kỹ thuật dùng bút điện mở lỗ trên thân stent trước khi can thiệp để tạo ra cửa sổ cấp máu đã được thực hiện từ năm 2019 với gần 40 ca bệnh lý động mạch chủ, mang lại nhiều ưu điểm vượt trội cho người bệnh.