Cựu thanh niên xung phong năng động phát triển kinh tế
Có dịp cùng Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) huyện Vĩnh Linh Lê Hữu Hán đến tham quan, tìm hiểu các mô hình kinh tế của hội viên cựu TNXP khắp các địa phương trong huyện, chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí kiên định cùng tư duy sáng tạo, nhạy bén với cơ chế thị trường của những cựu TNXP trong cuộc chiến đẩy lùi đói nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương. Mô hình kinh tế của cựu TNXP Phan Văn Tú (sinh năm 1959), thôn Thủy Trung, xã Trung Nam là một điển hình như vậy.
Ông Tú hiện là chủ một trang trại tổng hợp gồm 1,5 ha cao su tiểu điền kết hợp chăn nuôi hàng trăm gia cầm thả vườn; gần 1 ha hoa màu và 2 hồ cá với diện tích mặt nước khoảng 1.000 m2 , tổng thu nhập đạt từ 300 - 350 triệu đồng/ năm. Ông Tú cho biết, năm 1977, khi vừa tròn 18 tuổi, ông viết đơn tình nguyện tham gia TNXP. Sau 10 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Campuchia, bệnh binh Phan Văn Tú trở về quê hương, bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Thời điểm đó, người dân quê ông vẫn hằng ngày vật lộn với cái ăn, cái mặc, sự khó nghèo luôn hiện hữu. Riêng gia đình cựu TNXP Phan Văn Tú 2 vợ chồng đều sức khỏe yếu, 3 con còn nhỏ nên khó khăn lại càng thêm bộn bề. Phát huy phẩm chất của người lính, không ngại khổ, ngại khó, sau nhiều trăn trở tìm hướng phát triển sản xuất, năm 1997, ông Tú quyết tâm tận dụng, khai hoang phục hóa gần 2,5 ha diện tích đất rồi vay vốn đầu tư trồng cao su tiểu điền và hoa màu, đồng thời mua con giống gà, vịt về thả nuôi. Năm 2000, ông Tú tiếp tục cải tạo một phần đất ruộng, đào ao nuôi nhiều loại cá nước ngọt. Số vốn ban đầu còn ít lại chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất nên ông Tú xác định không nóng vội, làm từng bước một, làm khâu nào chắc khâu đó. Mặt khác, ông chịu khó tìm tòi, học hỏi, chủ động tham gia các khóa tập huấn chuyển giao kiến thức, khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Quá trình hình thành trang trại tổng hợp, có những thời điểm gặp thiên tai, dịch bệnh, giá các loại nông sản, cây công nghiệp bấp bênh, nhất là cây cao su tiểu điền. Mặc dù nhiều hộ trong vùng chuyển đổi sang những cây trồng, vật nuôi khác, cựu TNXP Phan Văn Tú vẫn kiên trì bám trụ, dồn sức chăm sóc, áp dụng hiệu quả phương thức sản xuất mới đảm bảo cho cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và duy trì trang trại theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Đất không phụ công người, mô hình kinh tế của gia đình ông từng ngày phát triển ổn định, đúng hướng, mang lại giá trị kinh tế cao. Không dừng lại ở đó, qua nhiều năm tích cực tăng gia sản xuất, “tích tiểu thành đại”, có được số vốn lớn dần trong tay, nhạy bén theo cơ chế thị trường, cựu TNXP Phan Văn Tú cùng các con đầu tư vào lĩnh vực đất đai, cho thuê mặt bằng và mở kinh doanh thương mại - dịch vụ, ước tính mỗi năm có thêm nguồn thu trên 100 triệu đồng.
Về những dự định thời gian tới, ông Tú chia sẻ thêm, gia đình sẽ mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, lựa chọn các đối tượng nuôi trồng mới đưa vào thử nghiệm, sản xuất. Trước mắt sẽ tập trung vào những loại cây ăn quả theo hướng hữu cơ ngày càng được thị trường ưa chuộng lại phù hợp điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Vĩnh Linh, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân thôn Thủy Trung, đối với phát triển kinh tế hay công tác xã hội, chăm lo xây dựng phong trào đoàn thể, khu dân cư, cựu TNXP Phan Văn Tú luôn là một trong những người tiên phong đi đầu và nhiều nhiệt huyết. Đặc biệt ông hết lòng tạo điều kiện, hỗ trợ cho những cựu TNXP phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, cùng nỗ lực xây dựng đời sống mới ngày một ấm no. Bởi kể từ ngày rời chiến trường về quê hương lập nghiệp cho đến tận bây giờ, ông Tú vẫn luôn luôn tâm niệm: “Còn sức khỏe còn lao động, cống hiến và sẻ chia”.