Cựu thanh niên xung phong năng động phát triển kinh tếTin khácCâu lạc bộ hiến máu tình nguyện: Sẻ chia những 'giọt hồng'Thể lệ tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm 'Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2022

Những năm qua, trên địa bàn xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã xuất hiện nhiều tấm gương cựu thanh niên xung phong năng động làm kinh tế giỏi. Trong đó, cựu thanh niên xung phong Hoàng Văn Hành (sinh năm 1954), thôn Làng Ngũa là một tấm gương tiêu biểu đã xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi đem lại thu nhập khá.

Năm 1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hành lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Đến năm 1975, ông trở về quê hương, lập gia đình rồi tập trung phát triển kinh tế.

Ông Hành chăm sóc cây bưởi

Ông Hành chăm sóc cây bưởi

Được biết, sau khi lập gia đình và ra ở riêng, cuộc sống gia đình ông Hành khá khó khăn do chủ yếu làm nông nghiệp theo hướng tự cung tự cấp. Với bản chất của người lính bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ông đã suy nghĩ, trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế.

Ông Hành cho biết: Nhận thấy trên địa bàn xã có một số hộ đã trồng cây na đem lại hiệu quả kinh tế, năm 1997, tôi đã đến các hộ đó để học tập kinh nghiệm trồng na. Sau đó, tôi tận dụng sẵn diện tích đất núi đá thuận lợi cho cây na phát triển để trồng 300 gốc na. Sau hơn 4 năm, cây na cho bói quả và gia đình tôi bắt đầu có thu nhập. Trong 8 năm trở lại đây, mỗi vụ na cho gia đình tôi thu về hơn 3 tấn quả, đem lại thu nhập hơn 70 triệu đồng.

Ngoài trồng na, năm 2004, ông Hành còn chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, lúa năng suất thấp để trồng 100 cây vải thiều và cây bưởi. Từ năm 2010, từ trồng bưởi và vải thiều, ông thu về hơn 30 triệu đồng. Đến năm 2016, ông đã phá bỏ diện tích vải thiều, bưởi bị sâu bệnh để trồng mới 100 cây bưởi Diễn và bưởi Quế Dương. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, ông thu hoạch hơn 7.000 quả bưởi, đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng.

Không chỉ mở rộng diện tích cây ăn quả, ông Hành còn quan tâm áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể, từ năm 2019, ông đã tham gia triển khai mô hình sản xuất cây ăn quả như na, bưởi theo hướng VietGAP, đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Ông Hành chia sẻ: Tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây ăn quả do xã và phòng chuyên môn huyện tổ chức, tôi đã áp dụng vào mô hình cây ăn quả của gia đình. Tôi tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật được tập huấn, nhờ đó mẫu mã, chất lượng quả đẹp hơn, giá bán đạt cao hơn. Nhờ chất lượng quả tốt, thương lái đến tận nhà thu mua, tôi không phải chở đến các chợ phiên cũng như chợ đầu mối bán nữa. Trong 3 năm triển khai mô hình sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP, năng suất cũng như giá trị cây ăn quả tăng khoảng 30% so với sản xuất truyền thống trước kia.

Ngoài ra, từ năm 2010 đến nay, ông Hành còn chăn nuôi lợn nhằm tăng thu nhập. Trung bình mỗi năm, ông nuôi được 2 lứa lợn, mỗi lứa 3 con, mỗi năm, ông xuất bán 6 tạ lợn, thu về hơn 30 triệu đồng. Mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi của gia đình ông đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Đánh giá về cựu thanh niên xung phong Hoàng Văn Hành, ông Đặng Xuân Tường, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Chi Lăng cho biết: Ông Hành là một hội viên rất tích cực trong phong trào phát triển kinh tế. Cùng đó, ông Hành luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của hội, các phong trào của địa phương. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên khác khi đến học tập mô hình của gia đình mình.

Với sự cố gắng nỗ lực đó, năm 2021, ông Hành được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước.

CẨM HÀ

ĐĂNG THÙY

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/491596-cuu-thanh-nien-xung-phong-nang-dong-phat-trien-kinh-te-2.html