Cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia lột xác đỉnh nhất: Toàn làm ở công ty 'khủng', bật mí 3 bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng
Không chỉ làm tại hai công ty nước ngoài, mà cựu thí sinh Olympia hiện còn đang là báo cáo viên tại FTU.
Những ngày gần đây, hình ảnh của một cựu thí sinh Olympia bất ngờ được lan truyền khắp MXH. Nhân vật chính của loạt ảnh được netizen “trao” cho danh hiệu “thí sinh Olympia có màn lột xác ngoạn mục nhất” nhờ sự thay đổi đến chóng mặt sau 9 năm bước ra từ sân chơi tri thức đình đám nhất nhì.
Từ một “mọt sách” với cặp kính cận giản dị, Trần Thị Thúy Huyền (SN 1996, quê Bình Định) - cựu thí sinh Olympia mà dân mạng đang dành nhiều sự chú ý đã trở thành một mỹ nhân thực thụ. Không chỉ có ngoại hình xinh đẹp, hành trình học tập, công việc của Thúy Huyền hậu Olympia cũng có những dấu ấn đầy ấn tượng.
Làm trái ý bố mẹ để vào FTU
Thúy Huyền từng tham gia chương trình
Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14. Nhìn Huyền “của ngày hôm qua”, ai cũng nghĩ cô là một “mọt sách” chính hiệu, suốt ngày chỉ biết học và học. Quả thực là như vậy bởi theo tiết lộ, vào khoảng thời gian THPT, nhiều khi Huyền chỉ ngủ 3 tiếng/ngày, thời gian còn lại để học bài, ôn thi học sinh giỏi, luyện bộ câu hỏi Olympia…
Với thành tích học tập tốt, cô được phụ huynh định hướng theo học ngành Y. Dẫu vậy, Huyền cảm nhận rõ bản thân phù hợp với một môi trường học tập năng động hơn, đặc biệt là khi cô thường được mọi người “rỉ tai” về sự khác biệt, năng động của sinh viên FTU. Vậy là Huyền quyết làm trái ý bố mẹ để đăng ký vào ngành Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại thương cơ sở TP.HCM.
Vào được FTU, Huyền như “cá gặp nước”, cô được thỏa sức thể hiện bản thân. Tại đây, không chỉ cố gắng học tập tốt kiến thức chuyên môn, cựu thí sinh Olympia còn ứng tuyển vào CLB, tham gia vào các cuộc thi về chuyên môn, kỹ năng mềm dành cho sinh viên.
“FTU đã mang lại cho mình rất nhiều điều”, cựu thí sinh Olympia nhấn mạnh.
Đầu tiên là kiến thức nền tảng và tư duy nhạy bén, niềm cảm hứng và động lực để hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Những mối quan hệ cũng chính là những người bạn rất giỏi. Dù hiện tại mỗi đứa một nơi, nhưng những người bạn thân thời đại học của Huyền vẫn thường xuyên chia sẻ lắng nghe những áp lực, vấn đề trong cuộc sống, hoặc có thể hợp tác, đưa ra lời khuyên trong công việc cùng nhau.
Chưa hết, Huyền còn có ý thức đi làm thêm từ rất sớm bởi cô quan niệm, va vấp với “thương trường” giúp phát triển các kỹ năng mềm, tăng khả năng chịu đựng với những áp lực và mở rộng những mối quan hệ chất lượng. Được biết, trong quá trình đi học, Thúy Huyền đã thực tập ở khá nhiều công ty với những vai trò khác nhau như sales (bán hàng), supply chain (chuỗi cung ứng), operation (vận hành) để trải nghiệm và thử sức xem mình phù hợp với lĩnh vực nào.
Dẫu vậy, Huyền vẫn vô cùng chăm chỉ, đạt nhiều học bổng trong quá trình học tại FTU. Huyền nghĩ, làm gì thì làm song việc học vẫn phải luôn đặt lên hàng đầu. Giờ nhìn lại quãng thời gian đó, cô rất hãnh diện vì những cố gắng của mình.
Trước thực trạng nhiều bạn trẻ hiện nay có quan niệm chểnh mảng trong việc học kiến thức ở trên trường vì cho rằng nó không thực tế, không áp dụng được nhiều vào công việc sau này, Thúy Huyền nhấn mạnh kiến thức chính là nền tảng vững chắc để rèn luyện tư duy và khả năng giải quyết vấn đề. Thực ra kiến thức khi được tích lũy chính là kiến thức của mình và nó sẽ được vận dụng ngay bây giờ hoặc sau này, ở một thời điểm nào đó, xuyên suốt quá trình làm việc, thông qua nhiều cách khác nhau.
“Steve Job học nghệ thuật gấp giấy Origami nhưng mười mấy năm sau, ông đã vận dụng nó vào việc cho lên ý tưởng và cho ra đời những chiếc iPhone xịn xò. Thế nên, nếu đã chọn mất thời gian 4 năm đại học thì nên tập trung và đạt được kết quả cho khoảng thời gian đó, và thực tế, việc có GPA tốt cũng phần nào gây ấn tượng với nhà tuyển dụng” , Huyền tâm sự.
Toàn làm việc ở các công ty “khủng”
Dù từng thực tập ở nhiều vị trí, công việc khác nhau trong quá trình học đại học, nhưng để nói về một công việc được coi là chính thức đầu tiên của Thúy Huyền đó chính là Brand Marketer (Nhà tiếp thị thương hiệu) tại tập đoàn Unilever Vietnam. Tại đây, cô đã học được rất nhiều về chuyên môn.
Trong suốt quá trình học ở Ngoại thương, Thúy Huyền đã chủ động tìm kiếm thông tin tuyển dụng từ các công ty, quan sát theo dõi, cập nhật thường xuyên để chuẩn bị, tham gia các hội thảo hoặc trao đổi với bạn bè một cách có chọn lọc về quy trình ứng tuyển vào các tập đoàn lớn. Theo cô, Linkedin, Fanpage của công ty sẽ là nguồn tìm kiếm cơ hội tuyển dụng nhanh và chính xác nhất.
Sau khi nhắm được mục tiêu và biết được các tập đoàn đang mở đợt tuyển dụng là đến quá trình chuẩn bị hồ sơ xin việc. Thử tưởng tượng mà xem, khi nhà tuyển dụng chưa biết gì về bạn thì CV chính là một bức tranh mà bản thân vẽ ra để HR hình dung rõ nhất. Vậy nên, chúng ta cần tóm tắt lại và kể một câu chuyện phù hợp với nhu cầu, vị trí mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, tất nhiên là dựa trên những thế mạnh và tính cách của bản thân, hướng tới thể hiện cách bạn có thể đóng góp cho công việc và tổ chức.
“Chẳng hạn ứng tuyển vào vị trí về Marketing ngành FMCG (Hàng tiêu dùng nhanh) đòi hỏi bạn không chỉ sáng tạo mà còn phải có logic tốt, tư duy kinh doanh và khả năng đọc số liệu.
Ngoài ra, không phải viết gì vào CV vào có thể viết, hay liệt kê tràn lan đại hải. Cũng từ ví dụ trên, những cuộc thi mà bạn tham gia từ thời sinh viên về Data analysis, Marketing rất phù hợp để đưa vào CV, hoặc nếu bạn không tham gia các cuộc thi mà chỉ đi làm thì lúc trình bày cần nhấn mạnh những kinh nghiệm tương ứng với kỹ năng đó” , Huyền lấy ví dụ về kinh nghiệm về một chiếc CV chuẩn.
Bên cạnh đó, cựu thí sinh Olympia luôn chuẩn bị sẵn sàng với khả năng tư duy tốt trên những business case thực tế, khả năng tiếng Anh trôi chảy, cùng kiến thức chuyên môn ở vị trí bản thân ứng tuyển... Đồng thời, Thúy Huyền cũng xác định rõ ràng một điều rằng để đỗ được vào các tập đoàn lớn thì phải… trượt đôi ba lần thì mới vỡ lẽ ra được. Sở dĩ, mỗi đợt tuyển dụng của các công ty đa quốc gia thường sẽ có lượng ứng viên ứng tuyển rất lớn, đã thể lại toàn người giỏi nữa.
Các công ty không tìm người giỏi nhất, mà tìm người phù hợp nhất, điều quan trọng là tìm hiểu và chuẩn bị thật kỹ trong suốt quá trình đi học từ kiến thức, kĩ năng đến chuyên môn công việc:
“Nếu để nói chi tiết thì đó chắc chắn phải là một sự chuẩn bị rất dài, thực ra bạn cần hiểu rõ bản thân để làm mình thật sự khác biệt giữa một rừng các ứng viên. Ví dụ, ở mỗi vòng thi sẽ có những yêu cầu đòi hỏi khác nhau, và bạn hiểu được giám khảo sẽ cần một màu sắc như thế nào: sáng tạo, năng động hay chắc chắn, logic hoặc khả năng leadership tốt dẫn dắt mạch tranh luận của team, hay kĩ năng thuyết phục bán hàng,... từ đó thể hiện ra được những thế mạnh phù hợp để gây ấn tượng”.
Hiểu rõ được những yêu cầu từ nhà tuyển dụng, cộng thêm với đó là năng lực và khả năng của bản thân được trau dồi trong suốt quá trình học tập đại FTU, Huyền đã trúng tuyển vào Unilever Vietnam - một công ty mơ ước của nhiều bạn trẻ. Tiếp đó, Huyền có chuyển qua một số công ty trong lĩnh vực FMCG và hiện tại, “bến đỗ” của cựu thí sinh Olympia là làm Brand Manager cho một công ty đa quốc gia của Mỹ, đồng thời cô cũng làm tư vấn và đại diện tại Việt Nam cho một công ty startup của Singapore trong ngành truyền thông.
Về bí quyết để ứng tuyển vào các công ty đa quốc gia, Huyền chia sẻ trước tiên đó chính là IQ: bạn phải có tư duy kinh doanh rất tốt, bất kì quan điểm, ý kiến nào đưa ra đều cần một sự chắc chắn với sự nghiên cứu, logic và lý luận vững vàng. Tiếp đến là EQ: bạn cần thấu hiểu được động lực và rào cản (hay thấu hiểu tâm lý) của người bạn đang giao tiếp, làm việc chung để có thể ảnh hưởng, hợp tác hiệu quả hoặc thích ứng nhanh với môi trường. Cuối cùng đó chính là sự tự tin, quyết tâm, không ngại thử thách, định kiến, không ngại khó ngại khổ sẽ là chìa khóa cho những trải nghiệm.
Về mức lương khi làm tại các công ty đa quốc gia, cô nàng nói:
“Khi đi làm, mức lương sẽ tương ứng với từng những gì các bạn mang lại và những áp lực phải vượt qua, ở các tập đoàn đa quốc gia với quy mô lớn, những giá trị mà mỗi nhân viên mang lại không hề nhỏ và đi kèm với áp lực khủng khiếp, nên mức đãi ngộ cũng sẽ cao tương xứng”.
Dự định du học Thạc sĩ
Hiện nay, không chỉ làm Brand Manager tại một công ty đa quốc gia, làm tư vấn và đại diện tại Việt Nam cho một công ty startup của Singapore mà cựu thí sinh Olympia còn là một báo cáo viên tại FTU. Bận rộn là vậy, nhưng cô nàng vẫn luôn tìm cách để kiến mọi thứ trở nên thú vị và học cách cân bằng cuộc sống.
“Khi tiếp xúc với một môi trường khác ngoài công việc, đôi khi hơi bận một chút nhưng điều quan trọng là lắng nghe bản thân và biết khi nào nên thư giãn và tái nạp năng lượng để đối mặt với áp lực một cách hiệu quả. Thực tế, mình luôn cố gắng sắp xếp để vẫn có thời gian tập gym, hẹn hò và thỉnh thoảng đi du lịch” , Huyền nói.
Chi tiết hơn, để cân bằng các công việc, Huyền cho rằng điều đầu tiên đó chính là sự kỉ luật. Thực ra để có được sự kỷ luật không dễ, nó xuất phát từ việc xác định mục tiêu trong từng giai đoạn, từ đó sẽ có động lực để hiện thực mục tiêu đó. Ngoài ra, quản lý thời gian để tối ưu hóa được các hoạt động trong ngày và tận dụng được các công cụ, nguồn lực xung quanh như ứng dụng Chat GPT, lời khuyên từ cấp trên hoặc bạn bè.
“Mỗi khi nhận 1 dự án mới, thay vì chính bản thân phải mày mò từ đầu để có kiến thức trong lĩnh vực đó thì mình sẽ cố gắng kết nối với những anh chị, mối quan hệ xung quanh hay những người có hiểu biết về lĩnh vực đó để xin ý kiến của họ, từ đó đưa ra đề xuất nhanh chóng và sát hơn với đề bài cần giải”, cô nói.
Trong tương lai, Huyền sẽ ôn luyện để xin học bổng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ, rồi sau đó là mở một công ty riêng cho mình.
Sau cùng, lời khuyên Thúy Huyền muốn đưa ra cho các bạn trẻ là:
“Các bạn nên hiểu rõ mình muốn gì, từ đó phản ánh vào một kế hoạch cần thực hiện trong giai đoạn đó để đạt được những điều mình muốn, còn nếu chưa biết thì nên tập trung vào những nền tảng cơ bản như: học tốt kiến thức ở trường để duy trì GPA ở một mức ổn, học tiếng Anh, tham gia câu lạc bộ… Đồng thời, luôn biết ơn và trân trọng từng con người trên hành trình mình đã đi qua, từ đó sẽ thấy mọi thứ rất ý nghĩa”.