Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế phản pháo lời khai của đại diện doanh nghiệp
Tại tòa, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế khai bản thân không yêu cầu, không quát tháo và phủ nhận lời khai của các bị cáo, đồng thời khẳng định lời nói của doanh nghiệp là không đúng
Tại buổi xét xử chiều 12.7, trong phiên xét xử 54 bị cáo ở vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế) khai bản thân đảm nhiệm chức vụ thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 12.2019 đến tháng 2.2022. Trong việc phê duyệt cấp phép các chuyến bay, bị cáo chỉ tiếp nhận hồ sơ rồi trình cho Thứ trưởng xét duyệt.
Theo lời khai của Kiên, bị cáo tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng. Khi tiếp nhận hồ sơ, bị cáo có nhiệm vụ trình Thứ trưởng để xét duyệt. Trong thời gian liên quan đến việc này, một số cá nhân là đại diện doanh nghiệp có đến gặp gỡ và Kiên có nhận tiền của các doanh nghiệp như cáo trạng đã nêu.
Tại tòa, Kiên khẳng định: “Bản thân không yêu cầu doanh nghiệp, tất cả mức chi là do doanh nghiệp chủ động đề xuất và bị cáo có nhiều căn cứ khách quan chứng minh cho điều này”.
Trong những buổi xét hỏi trước đó, dù đã nghe rõ lời khai của các bị cáo là đại diện doanh nghiệp nhưng tại buổi xét hỏi chiều 12.7, Kiên nói rõ bản thân không yêu cầu, không quát tháo và phủ nhận lời khai của các bị cáo đó, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh việc bản thân có căn cứ để khẳng định lời nói của doanh nghiệp là không đúng.
Theo lời khai của Kiên, doanh nghiệp đã chủ động gọi điện để xin giúp đỡ. Tổng cộng Kiên nhận 42 tỉ đồng, với "chuyến bay combo" Kiên nhận 27 tỉ đồng, khách lẻ là 15 tỉ đồng. Kiên khai, nhận tiền xong “không đưa cho ai” mà cho người thân vay hoặc đi đầu tư đất đai ở Ba Vì, Mũi Né, huyện Hoài Đức.
Tại tòa, Kiên cho biết đã chủ động trả lại cho các doanh nghiệp khoảng 12 tỉ đồng. Bị cáo mới biết là gia đình đã nộp 15 tỉ đồng và cũng đã nhắn với luật sư để nói gia đình khắc phục triệt để trong quá trình xét xử.
Ngay sau khi nghe bị cáo Kiên khai báo, Chủ tọa phiên tòa đã cho các bị cáo là đại diện doanh nghiệp đối chất ngay tại tòa. Cụ thể, bị cáo Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Thuận An) khai gặp Kiên vào tháng 7.2021 tại phòng làm việc và được Kiên yêu cầu chi 15 triệu đồng/khách lẻ về nước. Tháng 10.2021, khi được cấp phép chuyến bay đầu tiên, Kiên gọi bị cáo lên phòng làm việc và yêu cầu phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay.
Nghe những lời khai đó, bị cáo Kiên tiếp tục phủ nhận.
Theo cáo trạng, từ tháng 2.2021 đến tháng 12.2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác với tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng.