Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến sắp hầu tòa quân sự
Từ ngày 18/5, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Hiến, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã nghỉ hưu, bị truy tố về tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'.
Thông tin từ Bộ Quốc phòng, ngày 18 - 20/5, tại trụ sở Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") và đồng phạm bị truy tố về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã nghỉ hưu, bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cụ thể, các bị cáo: Đinh Ngọc Hệ, Phó Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng; Phạm Văn Diệt, Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh; Vũ Thị Hoan, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Yên Khánh Hải Thành, bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo: Bùi Như Thiềm, Trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải Quân đã nghỉ hưu; Bùi Văn Nga, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải Quân đã nghỉ hưu; Trần Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải Quân, bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Theo cáo trạng, các khu đất số 2, số 7-9 và số 9-11 (tổng cộng hơn 7.300m2) đường Tôn Đức Thắng có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng hải quân (QCHQ).
Ngày 13/3/2006, Thường vụ Đảng ủy QCHQ đã họp và nhất trí phương án hợp tác kinh doanh các khu đất trên và giao cho chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo trực tiếp chỉ đạo.
Theo đó, Công ty Hải Thành phối hợp với cơ quan chức năng đề xuất, tổ chức thực hiện hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trên 3 khu đất này, nhưng bảo đảm đúng quy định của pháp luật và có lợi cho quân chủng.
Đầu tháng 10/2006, Thành ủy, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương để lại toàn bộ tiền sử dụng đất cho Bộ tư lệnh Hải quân để chi phí giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng doanh trại hoặc cơ sở phúc lợi cho các đơn vị của hải quân.
Quá trình thực hiện, các bị can Bùi Như Thiềm (nguyên trưởng phòng kinh tế QCHQ), Bùi Văn Nga (nguyên giám đốc Công ty Hải Thành), Đoàn Mạnh Thảo (nguyên trưởng phòng tài chính QCHQ) đã đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh QCHQ và trực tiếp thực hiện các phương án chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất trên từ đất quốc phòng sang đất làm kinh tế trái quy định về quản lý đất đai.
Cụ thể, mặc dù QCHQ chưa có báo cáo đề nghị Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhưng Thiềm, Thảo đã trình Thường vụ Đảng ủy QCHQ xin ý kiến để ký các hợp đồng liên doanh liên kết xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê trong thời hạn từ 45-49 năm, với mức khoán từ 4,5-5 USD/tháng/m2 trong suốt thời hạn liên doanh.
Ông Nguyễn Văn Hiến (khi đó là tư lệnh QCHQ) đã ký nhiều văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan xin chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 khu đất vào hợp tác kinh doanh, xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê.
Thủ trưởng Bộ Quốc phòng nhất trí về chủ trương nhưng chỉ đạo: "Không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vì sẽ bị mất đất". Tuy nhiên, với sai phạm của các bị can, cả 3 lô đất này đều đã rơi vào tay tư nhân.
Cáo trạng nêu: bị can Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định.
Ông Hiến không kiểm tra việc góp vốn, không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sau khi ủy quyền cho giám đốc Công ty Hải Thành ký hợp đồng đã không kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị liên quan, dẫn đến việc bị đối tác dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba...
Hậu quả làm QCHQ mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 939 tỷ đồng.