Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang trần tình về sai phạm...
Khai báo tại tòa, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang thừa nhận báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ có sai về nội dung số tiền 3,8 triệu USD. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng rằng do 'tin tưởng cấp dưới' nên mới dẫn tới hậu quả...
Chiều 21-11, phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và 7 bị cáo liên quan trong vụ "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", dẫn đến thất thoát hơn 3,8 triệu USD xảy ra tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long (viết tắt là Công ty Dược Cửu Long) tiếp tục phần thẩm vấn.
Thừa nhận sai sót khi báo cáo Thủ tướng
Tại tòa, bị cáo Cao Minh Quang thừa nhận bản thân thiếu trách nhiệm, không kiểm tra giám sát dẫn tới không phát hiện việc Công ty Dược Cửu Long “ỉm” hơn 3,8 triệu USD.
Cáo trạng thể hiện, Công ty Dược Cửu Long (khi đó vẫn là doanh nghiệp Nhà nước) được giao tiền sản xuất thuốc Tamiflu và Oseltamivir. Công ty này mua nguyên liệu từ nước ngoài và sau đó do giá biến động nên được giảm giá hơn 3,8 triệu USD.
Tuy nhiên, nhóm cựu cán bộ Công ty Dược Cửu Long đã không báo cáo việc được giảm giá, cố tình “ỉm” đi số tiền này để doanh nghiệp bổ sung vốn hoạt động. Nhóm bị cáo là lãnh đạo, cán bộ Bộ Y tế bị cáo buộc không kiểm tra, không phát hiện hành vi biển thủ tiền Nhà nước của Công ty Dược Cửu Long.
Riêng cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang bị xác định là Trưởng ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan thuốc Tamiflu và Oseltamivir. Bị cáo Quang nhận chỉ đạo của Thủ tướng nên phối hợp với Bộ Tài chính để kiểm tra việc mua, bảo quản, sử dụng thuốc và ký quyết định số 92 năm 2008 thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.
Đoàn kiểm tra sau đó báo cáo cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang về việc Công ty Dược Cửu Long chưa thanh toán hơn 3,8 triệu USD cho đối tác nước ngoài nhưng vị Thứ trưởng này đã không chỉ đạo, làm rõ bản chất việc này dẫn tới thất thoát tài sản Nhà nước.
Năm 2009, bị cáo Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) soạn văn bản trình cho Thứ trưởng Cao Minh Quang báo cáo Thủ tướng nội dung “không đề xuất kiểm tra làm rõ số tiền 3,8 triệu USD”.
Bị cáo Quang sau đó ký báo cáo số 20 gửi Thủ tướng Chính phủ nhưng không có nội dung về 3,8 triệu USD. Số tiền này chỉ được thể hiện trong phụ lục của báo cáo, thể hiện Công ty Dược Cửu Long sẽ hoàn thành thanh toán trước ngày 31/3/2009. Tuy nhiên, báo cáo này được gửi cuối tháng 4 cùng năm, quá gần 2 tháng so với thời hạn Công ty Dược Cửu Long phải thanh toán 3,8 hơn triệu USD.
Khai tại tòa, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang cho biết bị cáo là người ký quyết định số 92 thành lập đoàn kiểm tra nhưng nội dung kiểm tra rất rộng, không phải chỉ riêng phần sản xuất thuốc. Từ đó, bị cáo Quang cho rằng báo cáo số 20 gửi Thủ tướng trong phần chính không đề cập số tiền 3,8 triệu USD.
Cựu Thứ trưởng trình bày: “Cục Dược ghi nhận thế nào, báo cáo Thủ tướng thế ấy nhưng khi ký đã vượt hạn chót thanh toán. Phần đó, bị cáo không được biết thanh toán chưa. Bị cáo nhận có thiếu sót là thiếu kiểm tra, giám sát trước khi ký báo cáo số 20 gửi Thủ tướng”.
Trước tòa, bị cáo Quang giải thích lý do sai phạm của mình là: “Tin tưởng cấp dưới, không kiểm tra giám sát, để xảy ra việc báo cáo Thủ tướng không đúng nội dung thực tế”. Cùng với đó, bị cáo này cho rằng, việc bản thân báo cáo sai nhưng không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra việc Công ty Dược Cửu Long không nộp lại hơn 3,8 triệu USD.
“Nó do quá trình che giấu, lập lờ của doanh nghiệp. Bằng chứng là năm 2010, Thanh tra Chính phủ làm 6 tháng liền không phát hiện. Năm 2014, Bộ Tài chính làm không ra, sau cảnh sát làm 7 năm mới xác định khoản tiền đó là cái gì. Nhận thức của bị cáo như vậy” - cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang phân trần.
Có mặt tại phiên tòa, đại diện Bộ Y tế cho biết, số tiền đã thanh toán cho Công ty Dược phẩm Cửu Long là tiền ngân sách Nhà nước. Đến nay, Bộ Y tế đã thanh toán đầy đủ cho phía doanh nghiệp.
Trong khi ấy, đại diện Công ty Dược phẩm Cửu Long thì cho rằng, không nắm rõ về số tiền 3,8 triệu USD và không nắm rõ số tiền chia cổ tức cho các cổ đông. Hơn 3,8 triệu USD mà Ban lãnh đạo (thời điểm xác định sai phạm) hạch toán không đúng mục đích, không báo cáo Bộ Y tế, phía doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp với Tòa án giải quyết sự việc theo hướng thượng tôn pháp luật.
Hơn 3,8 triệu USD được dùng để... giải quyết khó khăn
Trước đó, cuối giờ sáng cùng ngày, trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Tổng Giám đốc Công ty Dược Cửu Long) khai, thời điểm năm 2015, doanh nghiệp này gặp khó khăn. Công ty Dược Cửu Long là doanh nghiệp Nhà nước, ít vốn, phải đi vay ngân hàng nên đã giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD để giải quyết khó khăn.
Sau khi giữ lại số tiền trên, Công ty Dược Cửu Long không báo cáo lên Bộ Y tế. Khi Đoàn Thanh tra của Bộ và Thanh tra Chính phủ vào làm việc, Công ty Dược Cửu Long đã đề nghị được tạm giữ lại hơn 3,8 triệu USD này lại để khi nào phía Công ty Mambo (đơn vị cung cấp dược liệu sản xuất thuốc Oseltamivir) đòi thì trả cho họ.
Bị cáo Hóa cũng thừa nhận, phía Công ty Mambo đã có văn bản xác nhận việc Công ty Dược Cửu Long không phải trả số tiền hơn 3,8 triệu USD cho Công ty Mambo.
Trả lời câu hỏi bị cáo giữ lại hơn 3,8 triệu USD để làm gì, bị cáo Lương Văn Hóa cho hay Công ty Dược Cửu Long đã dùng trả lãi ngân hàng, bổ sung vốn cho doanh nghiệp. Bị cáo này khẳng định: "Không che giấu những thứ mình sai, bởi khi mình đứng ở đây là có lỗi".
Về phần mình, bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng Công ty Dược Cửu Long) trình bày, bị cáo này giữ chức vụ Kế toán trưởng doanh nghiệp dược từ tháng 4-2006, có nhiệm vụ theo dõi xuất nhập khẩu hàng hóa, thu chi cho các hợp đồng của công ty.
Hải khai nhận, có biết các hợp đồng mua bán dược liệu của Công ty Dược Cửu Long sản xuất thuốc Oseltamivir với Bộ Y tế. Tổng giá trị hợp đồng khoảng 145 tỷ đồng nhưng không nhớ rõ phía Bộ đã thanh toán bao nhiêu tiền cho Công ty Dược Cửu Long.
Theo Hải, phải đến năm 2013, bị cáo mới biết Công ty Dược Cửu Long giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD. “Bị cáo có biết số tiền ấy là tiền gì không? " - Tòa hỏi? Đáp lời, cựu Kế toán trưởng Công ty Dược Cửu Long cho biết, đó là khoản tiền Bộ Y tế chi cho việc sản xuất thuốc và số tiền này Công ty Dược Cửu Long chưa trả cho Công ty Mambo (đơn vị cung cấp dược liệu).
Ngoài ra, bị cáo Hải cũng thừa nhận là người ký báo cáo tài chính nhưng lại không biết việc doanh nghiệp giữ lại số tiền nêu trên. Tuy nhiên, lời khai này của bị cáo Hải đã bị chủ tọa phiên tòa bác bỏ vì không có căn cứ.
Trong khi đó, bị cáo Ngô Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc Chi nhánh TP HCM, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất nhập khẩu Công ty Dược Cửu Long) cho hay, nhiệm vụ, quyền hạn của bị cáo là quản lý việc tiêu thụ sản phẩm; làm các thủ tục nhập nhiên liệu từ đối tác, ký kết các hợp đồng giao cho công ty và kế toán.
Đối với hợp đồng giữa Công ty Mambo và Công ty Dược Cửu Long, bị cáo Nghĩa thừa nhận chính là người đề xuất để bị cáo Hóa ký. Nhưng sau khi hợp đồng ký kết, việc thanh toán như thế nào thì bị cáo Nghĩa không nắm rõ vì đó là nhiệm vụ của kế toán.
Về số tiền hơn 3,8 triệu USD Công ty Dược Cửu Long giữ lại, từ năm 2013, bị cáo Nghĩa có nghe phong phanh từ dư luận đồn đoán nhưng không rõ và không biết Công ty Dược Cửu Long giữ lại với mục đích gì.
Trong ngày đầu xét xử vụ án, bị cáo Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Vụ kế hoạch - Bộ Y tế) cũng đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của bản thân. Các hợp đồng của dự án, trong đó có hợp đồng với Công ty Dược Cửu Long, bị cáo Liệu có tham gia ký kết theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế.