Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị phạt 4 năm tù
Sau 8 ngày xét xử, nghị án, chiều 19/5, TAND TP Hà Nội đã công bố bản án với 14 bị cáo trong vụ án 'Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh'.
Theo đó, tòa tuyên phạt ông Trương Quốc Cường, cựu Thứ trưởng Y tế mức án 4 năm về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng tội danh này, tòa tuyên phạt Nguyễn Việt Hùng - cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) 3 năm tù, Lê Đình Thanh - nguyên Công chức Cục Hải quan TP.HCM 2 năm tù.
Các bị cáo Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT VN Pharma) bị tuyên 18 năm tù, tổng hợp với bản án cũ buộc bị cáo phải chấp hành tổng hình phạt 30 năm tù; bị cáo Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc công ty H&C) nhận 20 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó, Cường chịu 30 năm tù về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".
7 bị cáo khác là cựu lãnh đạo, nhân viên thuộc Công ty VN Pharma nhận các mức án từ 2 - 30 năm tù về tội danh nêu trên.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc các bị cáo Nguyễn Minh Hùng với nhóm bị cáo chịu liên đới bồi thường 31 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Đồng thời, cấm đảm nhận các chức vụ liên quan đến lĩnh vực dược sau khi chấp hành xong án phạt.
Tòa nhận định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, gây bất bình trong nhân dân, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, của ngành y tế nên cần phải xử lý nghiêm minh.
Trong đó, Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường phạm tội tích cực, chủ mưu cầm đầu, các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Việc tuyên các mức án trên, tòa cho rằng 13 trong 14 bị cáo đều thành khẩn thừa nhận sai phạm.
Theo bản án sơ thẩm, lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý dược và hải quan, trong các năm 2008-2010, Nguyễn Lê Xuân Khang (là người Việt Nam định cư tại Canada và có quốc tịch Canada) đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Minh Hùng và ông Lê Văn Sơn lập hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để Công ty Cudupha, Công ty Vimedimex đứng tên xin cấp số đăng ký.
Thực tế, các hồ sơ thuốc đều là giả nhưng do một số cán bộ của Cục Quản lý dược thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt nên 7 loại thuốc: Extrafovir; Kaderox-250; Kafotax-1000; MGP Axinex-1000, MGP Mosinase-625, H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 Canada đã được cấp số đăng ký.
Từ ngày 4/11/2012 - 19/6/2014, Nguyễn Minh Hùng cấu kết với Võ Mạnh Cường chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm giả các hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán, nâng khống giá thuốc, làm giả chứng từ thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc, hợp thức chứng từ thanh toán để thông quan, nhập khẩu các thuốc trên, với tổng số lượng là 838.100 hộp.
Số thuốc giả nêu trên đã được Công ty VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng cộng 623.819 hộp, thu lợi bất chính số tiền hơn 31,5 tỉ đồng.
Theo tòa, việc truy tố, xét xử Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm là đúng. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc các bị cáo từ chủ mưu đến giúp sức nhóm tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” phải bồi thường khoản thu lợi bất chính của nhóm tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. Hùng phải bồi thường 10 tỉ đồng, số còn lại chia đều cho 3 bị cáo khác.
Thời điểm lô thuốc trên tuồn vào Việt Nam, ông Trương Quốc Cường đang giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý Dược. Ông Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc...
Hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỉ đồng.
Ngoài ra, khi có thông tin về lô thuốc trên không rõ nguồn gốc, xuất xứ, song bị cáo Trương Quốc Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy. Sai phạm này dẫn đến việc các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc này để điều trị cho người bệnh, tổng trị giá hơn 3,7 tỉ đồng.
"Việc truy tố, xét xử với bị cáo Cường và hai bị cáo trên theo tội danh truy tố là đúng pháp luật", tòa nhận định.
Đối với bị cáo Thủy, đã cố ý không chấp hành đúng các quy định của pháp luật và Bộ Y tế, tự ý thẩm định lại dựa trên các tài liệu được đưa trái quy định vào hồ sơ nhằm khắc phục các lỗi đã được nhóm chuyên gia đánh giá, đề nghị không cấp số đăng ký, trong khi hồ sơ 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin đã có FSC, GMP bản chính nhằm tạo điều kiện cho các thuốc này được cấp số đăng ký.
Sau đó, Thủy đã thẩm định bổ sung đề nghị cấp số đăng ký cho 2 thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp dẫn đến hậu quả các thuốc trên được cấp số đăng ký, nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam, với tổng trị giá 101 tỉ đồng.
Bản án sơ thẩm nhận định, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe người bệnh.
Theo đó, tòa kiến nghị Bộ Y tế xem xét lại quy trình xét duyệt thuốc từ nước ngoài vào Việt Nam. Qua vụ án cho thấy, việc thẩm định và xét duyệt thuốc có lỗ hổng.
Bên cạnh đó, tòa cũng kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ các lô hàng đã thông quan.