Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang xin vắng mặt trong phiên tòa 'biển thủ' 3,8 triệu USD

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang xin vắng mặt vì bị bệnh liên quan đến u não vùng xoang hang trái, suy tim, thoát vị đĩa đệm, phì đại tiền liệt tuyến.

Sáng 22/11, TAND TP Hà Nội bước sang ngày thứ hai phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và các bị cáo khác trong vụ án Thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A (H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (Dược Cửu Long).

Đáng chú ý, sáng nay, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang vắng mặt vì lý do sức khỏe. Trước đó, sau một ngày hầu tòa, đến tối cùng ngày, bị cáo Cao Minh Quang đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sức khỏe yếu. Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế đã ủy quyền cho những người bào chữa thay mặt mình tại tòa từ ngày 22/11 để điều trị.

 Hình ảnh phiên tòa sáng ngày 22/11, luật sư hỏi các bị cáo.

Hình ảnh phiên tòa sáng ngày 22/11, luật sư hỏi các bị cáo.

Hội đồng xét xử cũng công bố đơn xin vắng mặt của luật sư bào chữa cho cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang gửi đến. Lý do trong đơn xin vắng mặt, bị cáo Cao Minh Quang bị bệnh liên quan đến u não vùng xoang hang trái, suy tim, thoát vị đĩa đệm, phì đại tiền liệt tuyến. Hội đồng xét xử nhận thấy, lý do xin vắng mặt là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận cho bị cáo Cao Minh Quang vắng mặt sáng ngày hôm nay.

Hội đồng xét xử cũng công bố các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Cụ thể, đến thời điểm sáng ngày 22/11, gia đình bị cáo Lương Văn Hóa đã nộp 700 triệu đồng và trong phiên tòa ngày hôm qua, gia đình bị cáo Hóa cũng làm đơn xin nộp bổ sung, tuy nhiên, Hội đồng xét xử chưa nhận được biên lai nộp tiền của gia đình bị cáo.

Gia đình bị cáo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa nộp 70 triệu đồng và cũng có đơn xin nộp bổ sung. Bị cáo Dương Huy Liệu nộp 80 triệu đồng. Bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải nộp 113 triệu đồng. Bị cáo Phạm Thị Minh Nga nộp 50 triệu đồng. Gia đình bị cáo Nguyễn Việt Hùng nộp 500 triệu đồng. Bị cáo Cao Minh Quang đã nộp 1,5 tỉ đồng.

Sáng nay, luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục phần hỏi các bị cáo để làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác tài chính, ký kết hợp đồng giữa các công ty liên quan trong vụ án.

Luật sư cũng đặt nhiều câu hỏi đối với các bị cáo Dược Cửu Long như về việc chia cổ tức, lợi nhuận. Luật sư cũng đề nghị triệu tập ông Trương Quốc Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, cựu Cục trưởng Cục quản lý dược.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng cho bị cáo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (SN 1952, cựu Giám đốc Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất, nhập khẩu thuộc Dược Cửu Long) được ngồi trả lời câu hỏi của luật sư vì sức khỏe yếu.

 Bị cáo Cao Minh Quang trong ngày đầu diễn ra phiên tòa. Ảnh: Kiến Trần.

Bị cáo Cao Minh Quang trong ngày đầu diễn ra phiên tòa. Ảnh: Kiến Trần.

Trước đó, sáng ngày 21/11, TAND TP Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Y tế, Dược Cửu Long và các đơn vị liên quan.

Theo đó, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cùng 8 bị cáo (một bị cáo đã chết) khác bị đưa ra xét xử trong vụ án xảy ra tại Bộ Y tế, Dược Cửu Long và các đơn vị liên quan, hưởng lợi bất chính số tiền rất lớn.

Trong đó, có 5 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo của Bộ Y tế gồm: Cao Minh Quang (SN 1956, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế), Dương Huy Liệu (SN 1948, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (SN 1970, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế), Phạm Thị Minh Nga (SN 1972, chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, cựu Kế toán trưởng Ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế) và Nguyễn Việt Hùng (SN 1956, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế). Các bị cáo cùng bị VKSND tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2, Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi năm 2009.

Ba bị cáo còn lại gồm Lương Văn Hóa (SN 1957, cựu Tổng Giám đốc Dược Cửu Long), Nguyễn Văn Thanh Hải (SN 1967, cựu Kế toán trưởng Dược Cửu Long), Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (SN 1952, cựu Giám đốc Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất, nhập khẩu thuộc Dược Cửu Long) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, Khoản 3 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Kiểm sát viên VKSND tối cao và VKSND TP Hà Nội tại phiên tòa. Ảnh: Việt Dũng.

Kiểm sát viên VKSND tối cao và VKSND TP Hà Nội tại phiên tòa. Ảnh: Việt Dũng.

Cáo trạng của VKSND tối cao công bố tại phiên tòa, thực hiện kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir phòng, chống dịch cúm A/H5N1 tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở thông báo giá thành sản xuất thuốc Oseltamivir của Bộ Tài chính, Bộ Y tế giao kế hoạch và đặt hàng Dược Cửu Long sản xuất thuốc Oseltamivir từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu theo hình thức ký và thực hiện các hợp đồng kinh tế.

Theo quy định của pháp luật về quản lý giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng sản xuất bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Dược Cửu Long phải chấp hành cơ chế quản lý giá và các mức giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất thuốc, Dược Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu nhưng với động cơ vụ lợi, Lương Văn Hóa đã lợi dụng, chức vụ, quyền hạn chỉ đạo Nguyễn Thanh Tòng và Nguyễn Văn Thanh Hải hạch toán trái nguyên tắc kế toán; chỉ đạo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa lập thư giãn nợ để che giấu việc kiểm tra, thanh tra; đồng thời chỉ đạo Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Văn Thanh Hải, Ngô Hữu Hiếu Nghĩa hợp thức hồ sơ thanh toán che giấu nhằm giữ lại số tiền giảm giá mua nguyên liệu 3.848.000 USD (tương đương hơn 61 tỉ đồng) để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Vũ Phương

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/cuu-thu-truong-cao-minh-quang-xin-vang-mat-trong-phien-toa-bien-thu-3-8-trieu-usd-131731.html