Cựu Thủ tướng A.Tebboune chính thức trở thành tân Tổng thống Algeria
Phóng viên TTXVN tại Algiers dẫn nguồn hãng tin Nhà nước Algeria (APS) cho biết, đúng 18h ngày 16/12 theo giờ địa phương, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Algeria, Kamel Fenniche đã chính thức công bố cựu Thủ tướng Abdelmadjid Tebboune đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 12/12 và chính thức trở thành tân Tổng thống nước Cộng hòa Algeria.
Theo kết quả chính thức do Hội đồng Hiến pháp công bố, 4 ứng viên đối thủ của ông Tebboune lần lượt đạt tỷ lệ như sau: ông Abdelkader Bengrina về thứ 2 với tỷ lệ 17,37%, tiếp theo là ông Ali Benflis được 10,55%, Azzedine Mihoubi được 7,28% và Abdelaziz Belaid được 6,67%. Tỷ lệ cử tri Algieria đi bầu chỉ đạt 39,88%, mức thấp nhất từ trước đến nay tại quốc gia Bắc Phi này.
Kết quả này chênh lệch không đáng kể so với kết quả do Cơ quan Bầu cử độc lập quốc gia Algeria (ANIE) công bố hôm 13/12 vừa qua.
Theo kết quả kiểm phiếu, ứng cử viên Tebboune đã chiến thắng ngay vòng đầu tiên của cuộc bầu cử hôm 12/12 vừa qua và chính thức trở thành tân Tổng thống Algeria, thay cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức hôm 2/4 do áp lực mạnh mẽ từ phía phong trào biểu tình của người dân.
Theo giới phân tích, tân Tổng thống Tebboune sẽ gánh một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay là đưa Algeria thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng và kéo dài gần một năm qua do phong trào phản kháng chống chế độ của người dân nổ ra từ ngày 22/2 đến nay. Ngoài ra, ông còn có nhiệm vụ "hồi sinh" nền kinh tế Algeria đang trì trệ và chủ yếu phụ thuộc vào dầu mỏ, phát triển phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân.
Trong một diễn biến khác, trong thông điệp chúc mừng tân Tổng thống Algeria, Quốc vương Maroc Mohammed VI hôm 15/12 đã kêu gọi mở ra "trang mới" trong quan hệ giữa 2 quốc gia Bắc Phi này.
Theo APS, nhà vua Mohamed VI đã kêu gọi "tin tưởng lẫn nhau" và "đối thoại mang tính xây dựng", trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước láng giềng đã xấu đi trong 40 năm qua do vấn đề Tây Sahara. Maroc và Algeria đã đóng cửa biên giới từ năm 1994 và cuộc gặp cuối cùng giữa nguyên thủ 2 nước diễn ra từ năm 2005.