Cựu Thủ tướng Anh David Cameron được bổ nhiệm làm tân ngoại trưởng
Việc cựu Thủ tướng David Cameron được bổ nhiệm làm tân Ngoại trưởng Anh, trong bối cảnh xung đột Israel Hamas bùng nổ và các cuộc biểu tình của người dân ủng hộ Palestine đang đặt những câu hỏi về các chính sách của Anh với khu vực Trung Đông.
Guardian đưa tin, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 13/11 bất ngờ thông báo bổ nhiệm nhà cựu lãnh đạo David Cameron làm Ngoại trưởng Anh, thay thế ông James Cleverly.
"Mặc dù tôi không tham gia chính trường trong 7 năm qua nhưng tôi hy vọng rằng, kinh nghiệm 6 năm làm thủ tướng và 11 năm lãnh đạo Đảng Bảo thủ sẽ giúp tôi hỗ trợ Thủ tướng giải quyết những thách thức quan trọng", ông David Cameron nói với các phóng viên.
Cũng trong ngày 13/11, Thủ tướng Sunak thông báo cải tổ lại bộ máy nội các khi đồng loạt thay đổi 4 bộ trưởng khác. Trong đó, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman bị thay thế bằng Ngoại trưởng James Cleverly, sau khi bà Braverman chỉ trích cách cảnh sát đối xử quá nhẹ tay đối với người biểu tình ủng hộ Palestine và có những bình luận được mô tả là "kích động".
Theo Al Jazeera, tân Ngoại trưởng Anh David Cameron trước đây đã từng gọi Dải Gaza là một "trại tù" và ủng hộ giải pháp hai nước nước trong cuộc xung đột Israel – Hamas. Tuy nhiên, ông cũng là người có quan điểm ủng hộ Israel mạnh mẽ.
Ngày 9/10, khi Israel tuyên bố phong tỏa toàn diện Dải Gaza và tấn công vào khu vực này để đáp trả cuộc tập kích bất ngờ vào 2 ngày trước đó của lực lượng Hamas, ông Cameron đã tuyên bố sẽ ủng hộ Israel.
"Tôi hoàn toàn đoàn kết với Israel vào thời điểm thách thức nhất này và hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng và Chính phủ Anh về sự ủng hộ kiên định và rõ ràng của họ", ông Cameron viết trên mạng xã hội X.
Chính sách của Anh về tình hình Trung Đông
Bình luận về các động thái mới nhất trên chính trường Anh, ông Ben Whitham - Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOSA) tại London, cho rằng dù ông David Cameron được cho là sẽ đưa ra những phát biểu "ôn hòa hơn", nhưng ông ấy sẽ không ủng hộ Palestine trong cuộc xung đột hiện nay.
"Chắc chắn là giống bất kỳ chính trị gia cấp cao nào của đảng Bảo thủ, ông ấy nhìn chung sẽ đứng về phía Israel và việc Israel thực hiện cuộc tấn công ở Dải Gaza", Giáo sư Whitham nói với Al Jazeera.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc Thủ tướng Rishi Sunak bổ nhiệm ông Cameron nhằm mục đích "hàn gắn những chia rẽ trong đảng Bảo thủ". "Ông ấy được coi là người có mối quan hệ chặt chẽ đối với các đối tác kinh tế chiến lược ở Trung Đông, bao gồm cả quan hệ cá nhân với giới lãnh đạo Saudi Arabia", chuyên gia này cho hay.
Trong nhiệm kỳ Thủ tướng Anh từ năm 2010 - 2016, ông David Cameron đã từng chỉ trích các khu tái định cư "trái pháp luật" của Israel ở Bờ Tây và việc phong tỏa Dải Gaza. "Dải Gaza không thể và không được phép tiếp tục là một trại tù", ông Cameron tuyên bố trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2010.
Tuy nhiên, khi người Palestine ở Gaza được được sống trong yên bình từ lệnh ngừng bắn tạm thời sau đợt bắn phá dữ dội vào vùng đất này vào năm 2014, đảng của ông Cameron đã từ chối lời kêu gọi phải kiểm tra giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Israel nếu giao tranh tái diễn.
Tờ Haaretz của Israel đã viện dẫn động thái này làm lý do để cho rằng ông David Cameron là một trong những Thủ tướng Anh thân Israel nhất từ trước đến nay. "Về nhiều mặt, ông ấy nhìn nhận Trung Đông rất giống với ông Netanyahu", Haaretz đánh giá, đề cập đến Thủ tướng đương nhiệm Israel Benjamin Netanyahu - người từng giữ chức vụ tương tự từ năm 2009 đến năm 2021.
Bên cạnh đó, Giáo sư Whitham cũng đánh giá các mối quan hệ cá nhân của ông Cameron với lãnh đạo Saudi Arabia đóng vai trò quyết định trong việc đưa ông quay trở lại. Ông Cameron là một trong số ít lãnh đạo, bao gồm cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và cựu cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Jared Kushner, đến Saudi Arabia vào năm 2019 để dự thượng đỉnh "Davos trên sa mạc".
Bên cạnh đó, cựu Thủ tướng Anh Cameron là người ủng hộ việc sử dụng "sức mạnh quân sự" của Anh để đánh bại những nhóm được coi là "khủng bố" ở Trung Đông. Năm 2014, khi IS thành lập một "nhà nước Hồi giáo" ở Iraq và Syria, ông Cameron đã cảnh báo rằng phương Tây đang đối mặt với một nhà nước "cực đoan" ở biên giới Địa Trung Hải, nếu IS thực hiện mục tiêu thành công các mục tiêu của mình.
Chính phủ Anh đã đồng ý mở rộng các cuộc không kích từ Iraq vào Syria, sau khi bỏ phiếu ủng hộ mở chiến dịch. Năm 2016, ông Cameron từ chức sau khi thất bại trong việc giữ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, chính sách Trung Đông của ông được đánh giá là tiếp tục gây tác động lâu dài ở khu vực này.
"Tôi không muốn suy đoán liệu ông ấy có tiếp tục ủng hộ Israel và coi Hamas là phần tử khủng bố như IS hay không. Điều đó còn phụ thuộc vào chính sách mà Thủ tướng Sunak thực hiện và ông Cameron sẽ theo đường lối đó", ông Whitham nói.