Cựu Thủ tướng Đức G.Schröder rút khỏi tập đoàn Rosneft của Nga
Liên minh cầm quyền ở Đức đã xóa bỏ các đặc quyền của cựu Thủ tướng Gerhard Schröder, hiện là Chủ tịch Hội đồng Giám sát của Rosneft, do ông này không từ bỏ công việc ở Rosneft.
Truyền thông Đức ngày 20/5 đưa tin cựu Thủ tướng nước này, ông Gerhard Schröder, sẽ rút khỏi Hội đồng Giám sát tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga.
Theo thông báo của Rosneft, ông Schröder - hiện là Chủ tịch Hội đồng Giám sát của Rosneft, đã thông báo ông không thể kéo dài nhiệm vụ của mình trong Hội đồng. Tuy nhiên, thông báo không cho biết thêm thông tin chi tiết.
Trước đó, cùng ngày, liên minh cầm quyền ở Đức đã xóa bỏ các đặc quyền của cựu Thủ tướng Schröder. Chưa rõ quyết định này của Ủy ban Ngân sách Quốc hội có đảm bảo vệ mặt pháp lý hay không.
Theo báo Spiegel, ông Schröder đã nhờ một luật sư về Hiến pháp "kiểm tra toàn bộ quy trình đảm bảo tính hợp pháp" của quyết định này.
Lý do cho quyết định của Ủy ban Ngân sách là ông Schröder không từ bỏ công việc ở các công ty Nga bất chấp cuộc chiến hiện nay ở Ukraine.
Theo báo chí Đức, chi phí về nhân sự dành cho vị cựu Thủ tướng Đức này lên tới khoảng 400.000 euro mỗi năm.
Với quyết định trên của Ủy ban Ngân sách, về mặt hình thức, Văn phòng của cựu Thủ tướng Schröder sẽ phải tạm thời ngừng hoạt động, song ông Schröder vẫn được giữ lại lương hưu và được đảm bảo an ninh cá nhân.
Ông Schröder làm Thủ tướng Đức từ năm 1998-2005, sau đó ông làm việc cho các dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Bắc 2.
Việc xóa bỏ các đặc quyền của một cựu Thủ tướng là điều chưa từng có ở Đức. Sau nhiều cuộc thảo luận, liên minh cầm quyền hiện nay cân nhắc để đưa ra quyết định chắn chắn, trở thành một quy tắc áp dụng cho tất cả các cựu Thủ tướng trong tương lai.
Điều này có nghĩa các cựu Thủ tướng không còn được tự động hưởng các đặc quyền, mà chỉ khi họ có những hoạt động phù hợp với các nhiệm vụ chung của một cựu Thủ tướng.
Ngày 19/5, Nghị viện châu Âu cũng đã bỏ phiếu với đa số ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với ông Schröder nếu ông không từ bỏ các công việc đang nắm giữ trong các công ty Nga.
Các Nghị sỹ châu Âu muốn gia tăng sức ép yêu cầu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell đưa ông Schröder vào danh sách trừng phạt của EU nhằm phong tỏa tài sản của ông này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz một mặt lên tiếng ủng hộ quyết định của Ủy ban Ngân sách Quốc hội đối với ông Schröder, mặt khác lại phản đối việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt ông Schröder./.