Cựu Thủ tướng Israel Netanyahu đối mặt với cựu cố vấn truyền thông tại tòa
Ông Nir Hefetz - cựu Cố vấn truyền thông cho cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuần vừa rồi đã ra điều trần trước tòa. Đây được coi là một nhân chứng quan trọng trong vụ xét xử cựu lãnh đạo Israel với cáo buộc gian lận, vi phạm tín nhiệm và tham nhũng.
Lời khai của ông Hefetz trước Tòa án quận Jerusalem liên quan đến “Vụ án 4000”, trong đó ông Netanyahu bị cáo buộc đã tác động để thu lợi bất chính và sinh lợi cho “gã khổng lồ viễn thông” Israel Bezeq của doanh nhân Shaul Elovitch, đổi lại ông Netanyahu được đưa tin tích cực trên trang tin tức Walla (thuộc sở hữu của ông Elovitch).
Trong các ngày 22 và 23-11-2021, cựu cố vấn Nir Hefetz đã đưa ra lời khai tại phòng xử án quận Jerusalem. Trong lời khai của mình, ông Hefetz nói rằng, ông Netanyahu là một “người cuồng kiểm soát” về hình ảnh trước công chúng. “Ông ấy dành rất nhiều thời gian cho truyền thông cũng như các vấn đề an ninh, bao gồm cả những vấn đề mà người ngoài cuộc sẽ coi là vô nghĩa” - ông Hefetz nói trước tòa. Cựu nhà báo này trở thành cố vấn và phát ngôn viên của gia đình Netanyahu vào năm 2014. Năm 2018, sau khi bị bắt vì liên quan đến một trong các vụ án tham nhũng của cựu Thủ tướng Netanyahu, ông Hefetz đã ký một thỏa thuận làm nhân chứng và cung cấp cho cơ quan điều tra bản ghi âm các cuộc trò chuyện với ông Netanyahu và gia đình vị lãnh đạo này.
Tại sao cố vấn Hefetz lại trở thành một nhân chứng quan trọng trong vụ án này? Để kết tội ông Netanyahu, cơ quan công tố nhà nước cần phải chứng minh rằng vị cựu lãnh đạo Israel có ý định thực hiện hành vi hối lộ truyền thông. Nhưng bên công tố không thể chứng minh được ông Benjamin Netanyahu có hành vi cố ý như vậy nếu nhân chứng không phải là “người trong cuộc”. Trên thực tế, “người trong cuộc” Hefetz đã làm sáng tỏ phần nào câu chuyện khi khai nhận rằng, vợ và con của ông Netanyahu đã cản trở điều tra bằng cách ra lệnh cho ông phải xóa toàn bộ tin nhắn văn bản của họ với các thành viên chủ chốt khác của âm mưu hối lộ truyền thông trong “Vụ án 4000”. Cựu cố vấn truyền thông đã thống nhất với doanh nhân Elovitch rằng, họ thường xuyên xóa tin nhắn văn bản của mình. Ông Elovitch còn nói, việc xóa tin nhắn là không đủ vì chúng luôn có thể khôi phục lại được. Thay vào đó, họ cùng nhau thay luôn điện thoại.
Ông Netanyahu, hiện là lãnh đạo phe đối lập, đã tham dự phiên điều trần nói trên nhưng không đưa ra bình luận nào với các phóng viên. Nhà cựu lãnh đạo Israel (72 tuổi) là bị cáo trong 3 vụ án riêng biệt. Ngoài “Vụ án 4000”, ông Netanyahu còn bị cáo buộc đã nhận những món quà trị giá hàng trăm nghìn đô la từ những người bạn giàu có. Trong vụ án thứ ba, ông bị cho là đã dàn dựng việc đưa thông tin tích cực về mình để đổi lấy việc thúc đẩy luật có thể gây tổn hại cho đối thủ chính của hãng tin tức. Trong các vụ việc, ông Netanyahu luôn phủ nhận mọi hành vi sai trái. Ông từ chối những lời kêu gọi từ chức sau khi bị truy tố vào năm 2019 và đã nhiều lần đả kích cơ quan thực thi pháp luật, truyền thông và tòa án vì đã cố ý nhắm vào ông.
Phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Israel chính thức bắt đầu vào năm 2020, trong khi đất nước bị cuốn vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 2 năm, chứng kiến 4 cuộc bầu cử liên tục. Ông Netanyahu và đảng Likud cầm quyền đã chịu mất quyền lực vào tháng 6-2021 sau khi một liên minh thống nhất đứng lên thành lập chính phủ.