Cựu Thủ tướng Mahathir: Người Hồi giáo có quyền trừng phạt người Pháp
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đăng loạt tweet hôm 29/10 bình luận về vụ giết thầy giáo Pháp gần đây, người đã cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad.
Một trong những tweet gây tranh cãi của ông Mahathir cho rằng người Hồi giáo có quyền “giết hàng triệu người Pháp vì các vụ thảm sát trong quá khứ”, theo Nikkei.
Dòng tweet sau đó đã bị Twitter xóa với lý do vi phạm các nguyên tắc của trang mạng xã hội. Những đoạn khác của chuỗi tweet vẫn còn trên Twitter ông Mahathir, trong đó cựu thủ tướng Malaysia nói "người Hồi giáo có quyền trừng phạt người Pháp".
"Vì các ông/bà chỉ trích toàn bộ người Hồi giáo và đạo Hồi chỉ vì những gì một người (Hồi giáo) giận dữ gây ra, những người Hồi giáo có quyền trừng phạt người Pháp. Những sự tẩy chay không thể bù đáp những gì người Pháp đã gây ra suốt những năm đó", ông viết.
“Bạn không thể tới chỗ một người và nguyền rủa anh ta chỉ đơn giản vì bạn tin vào quyền tự do ngôn luận”, ông Mahathir nói trong một đoạn tweet khác, cho rằng ông ủng hộ quyền tự do ngôn luận nhưng không cho đó là cái cớ để xúc phạm người khác.
Cựu Thủ tướng Mahathir - 95 tuổi và là nhà lãnh đạo lâu năm của Malaysia, một nhân vật được kính trọng trong thế giới Hồi giáo - đã phản đối Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì nhắm vào người Hồi giáo nói chung trong các cuộc tấn công gần đây.
“Macron không cho thấy rằng ông ấy là một người văn minh. Ông ấy rất cổ hủ”, ông Mahathir viết. “Vì bạn đã đổ lỗi cho tất cả người Hồi giáo và tôn giáo của người Hồi giáo vì những gì được thực hiện bởi một người tức giận, người Hồi giáo có quyền trừng phạt người Pháp”, ông cũng đề cập đến lịch sử người Pháp “giết hàng triệu người, rất nhiều người Hồi giáo”.
Giáo viên người Pháp bị sát hại dã man trong tháng này sau khi cho các học sinh của mình xem tranh biến họa về nhà tiên tri Muhammad để thảo luận về quyền tự do ngôn luận. Nghi phạm chặt đầu thầy giáo Samuel Paty bị cảnh sát bắn chết. Người này là một sinh viên đến từ Chechnya - khu vực của Nga có đông người theo đạo Hồi.
Ông Mahathir cũng đưa ra các bình luận về vụ tấn công bằng dao hôm 29/10 tại nhà thờ Đức Bà ở Nice, phía đông nam Pháp. Nghi phạm hét lớn “Allahu Akbar” khi chặt đầu một phụ nữ và sát hại hai người khác. Chính quyền Pháp cho đây là vụ tấn công khủng bố. "Allahu Akbar" là cụm từ tiếng Arab nghĩa là "Thượng đế vĩ đại".
Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết nước này đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên mức “khẩn cấp” - mức cao nhất trong hệ thống ba cấp của Pháp. Các nhà lãnh đạo khác, gồm có Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đăng các tuyên bố trên Twitter lên án vụ tấn công.
Cũng trong ngày 29/10, gần thành phố Avignon của Pháp, một người đàn ông đã đe dọa người qua đường bằng súng. Người này đã bị cảnh sát bắn chết. Ông ta cũng đã hét lên “Allahu akbar” khi hành động, theo Europe 1.
Những hành động của chính phủ Pháp sau vụ tấn công như đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo, giải tán các tổ chức Hồi giáo và cấm dạy học tại gia, đã gây ra phản ứng dữ dội ở nhiều quốc gia đa số theo đạo Hồi và thúc đẩy việc tẩy chay hàng hóa Pháp.