Cựu Tổng Giám đốc Hancorp lĩnh án tù vì gây thất thoát, lãng phí
Ngày 7/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đào Xuân Hồng (sinh năm 1963, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị và vật liệu xây dựng Hancorp - Công ty Hancorp) cùng 3 bị cáo khác trong vụ án về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí' theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.
Tòa đã tuyên phạt bị cáo Đào Xuân Hồng 4 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cùng ra tòa với bị cáo Hồng còn có 3 bị cáo khác gồm: Phạm Đình Diên (sinh năm 1978, cựu Giám đốc Chi nhánh xây dựng Hà Nội trực thuộc Công ty cổ phần xây dựng K2), Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1973, cựu Trưởng ban quản lý dự án nhà máy gạch bê tông khí chưng áp) và Ôn Đặng Hải Giang (sinh năm 1976, cựu Giám đốc Công ty G.A.T) bị Tòa tuyên phạt các mức án từ 18 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo cáo trạng, Công ty Hancorp trực thuộc Tổng Công ty xây dựng Hà Nội, có 95,52% vốn Nhà nước. Bị cáo Đào Xuân Hồng giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hancorp từ năm 2010 đến tháng 7/2013.
Ngày 12/8/2019, Cơ quan điều tra - Công an thành phố Hà Nội nhận được đơn của Công ty Hancorp tố cáo Đào Xuân Hồng có hành vi ký khống 2 hợp đồng kinh tế để chiếm đoạt tổng số tiền gần 850 triệu đồng.
Qua điều tra, cơ quan Công an làm rõ, trong năm 2012 - 2013, Công ty Hancorp không tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và Hội nghị triển khai công tác năm 2013. Tuy nhiên, bị cáo Hồng đã chỉ đạo Phạm Văn Tuấn (nhân viên Công ty) liên hệ với Công ty Cyan Hà Nội để bị cáo Hồng ký khống 2 Hợp đồng dịch vụ có nội dung: Công ty Cyan Hà Nội thực hiện tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2012 trị giá hơn 420 triệu đồng và hợp đồng thực hiện tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất năm 2013 trị giá hơn 425 triệu đồng.
Sau khi ký hợp đồng và được Công ty Cyan Hà Nội xuất hóa đơn Giá trị gia tăng khống, Hồng đã chỉ đạo bà Lê Thu Hằng (kế toán Công ty Hancorp) chuyển khoản thanh toán 2 hợp đồng với tổng số tiền gần 850 triệu đồng cho Công ty Cyan Hà Nội, gây thất thoát số tiền này của Nhà nước.
Ngoài ra, trong năm 2011 - 2012, khi thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy gạch bê tông khí chưng áp, mặc dù 4 hạng mục: Nhà nghiền, nhà nồi hơi, nhà kho; móng máy; hạ tầng kỹ thuật; nhà phối liệu chưa được thi công, nhưng Hồng đã chỉ đạo Phạm Đình Diên là nhà thầu thi công lập hồ sơ xác nhận khống khối lượng hoàn thành để Hồng duyệt thanh toán chuyển số tiền hơn 4,3 tỷ đồng cho Chi nhánh xây dựng Hà Nội.
Đến nay, Chi nhánh xây dựng Hà Nội không thực hiện thi công 4 hạng mục này, gây thất thoát của Nhà nước số tiền hơn 4,3 tỷ đồng. Viện Kiểm sát xác định, hành vi của Đào Xuân Hồng gây thiệt hại cho Công ty Hancorp hơn 5,2 tỷ đồng.
Đối với Phạm Đình Diên, cơ quan công tố đánh giá bị cáo Diên đã không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Thực hiện theo chỉ đạo của Hồng, Diên đã lập khống hồ sơ xác nhận khối lượng thi công hoàn thành 4 hạng mục công trình xây dựng để quyết toán khống, làm thất thoát số tiền hơn 4,3 tỷ đồng của Công ty Hancorp. Hành vi của Diên bị xác định có vai trò đồng phạm giúp sức cho Đào Xuân Hồng.
Đối với Phạm Văn Tuấn, với vai trò là Trưởng Ban quản lý dự án nhà máy gạch đã không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Tuấn biết 4 hạng mục xây dựng không được thi công nhưng vẫn ký vào bản kết toán xác nhận các hạng mục đã thi công và chứng từ hồ sơ quyết toán, giúp Diện sử dụng làm chứng từ thanh toán với Công ty Hancorp, dẫn đến thất thoát số tiền hơn 4,3 tỷ đồng của Công ty Hancorp.
Trong vụ án này, bị cáo Ôn Đặng Hải Giang là giám đốc Công ty G.A.T, được Công ty Hancorp thuê giám sát việc xây dựng nhà máy gạch. Bị cáo Giang biết 4 hạng mục không được xây dựng nhưng vẫn thực hiện theo sự chỉ đạo của Hồng và Diên, ký vào hồ sơ thanh toán, dẫn đến làm thất thoát số tiền hơn 4,3 tỷ đồng của Công ty Hancorp đến nay không thu hồi được.