Cựu Tổng giám đốc TISCO lĩnh án 9 năm 6 tháng tù, kiến nghị xem xét trách nhiệm Bộ Công thương
Ngoài phần trách nhiệm hình sự, HĐXX cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm Bộ Công thương ra chủ trương không đúng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả của vụ án. Đồng thời kiến nghị xem xét sai phạm của Vinaincon khi thực hiện phần c hợp đồng. Nếu có căn cứ thì khởi tố các cán bộ có liên quan.
Chiều 20/4, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với 19 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại CTCP Gang thép Thái Nguyên - TISCO liên quan đến dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
HĐXX cho rằng, trong vụ án này, các bị cáo thuộc TISCO là đồng phạm, tiếp nhận ý chí của nhau, mặc dù biết rõ hợp đồng EPC số 01 là trọn gói nhưng các bị cáo điều chỉnh cơ cấu tổng mức dự án, ký phụ lục điều chỉnh thống nhất tách hợp đồng, trực tiếp ký hợp đồng ba bên và giao cho Vinaincon không đủ năng lực thực hiện hợp đồng theo đơn giá.
Tòa án nhận định, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nhà nước.
“Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng vì các bị cáo có chức vụ, quyền hạn trọng trách tại TISCO, VNS nhưng không thực hiện đúng hợp đồng, ký hợp đồng thầu phụ với Vinaincon không đủ năng lực.. gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng với tài sản nhà nước. Chỉ tính riêng phần lãi vay là hơn 830 tỷ đồng, chưa tính đến các thiệt hại khác như trang thiết bị bị xuống cấp…”, HĐXX nhấn mạnh.
Đánh giá hành vi phạm tội, tòa án cũng xem xét các bị cáo thực hiện dự án trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế; các bị cáo không vụ lợi, chỉ có mục đích sớm đưa dự án vào hoạt động; khi MCC vi phạm hợp đồng tính đến phương án khởi kiện, việc tách phần c và ký hợp đồng nhà thầu phụ đều báo cáo cấp trên.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Trọng Mừng giữ vai trò chính, chủ mưu tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện vụ án.
Một số luật sư đề nghị xem xét lại số tiền thiệt hại 830 tỷ đồng vì vốn nhà nước tại TISCO chỉ chiếm 65%.
Tại tòa, bị cáo Đỗ Văn Hòa - cựu Kế toán trưởng TISCO cũng xuất trình bảng tính lãi suất trong đó có phần mỏ sắt Tiến Bộ đã đưa vào hoạt động, đem lại lợi nhuận hơn 41 tỷ đồng. Bị cáo Hòa và TISCO đề nghị tòa án trừ số tiền trên vào khoản thiệt hại 830 tỷ đồng. HĐXX không chấp nhận vì cho rằng mỏ sắt Tiến Bộ cũng bị chậm trễ. Khi tính thiệt hại là tính tổng thể dự án.
Cũng theo tòa án, nguyên tắc xác định thiệt hại là tài sản của nhà nước bị thiệt hại phải thu hồi ngay. Do đó, không có căn cứ để xem xét lại số tiền thiệt hại hoặc tách phần dân sự giải quyết riêng, chuyển tội danh cho các bị cáo như đề nghị của một số luật sư.
14 bị cáo tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí:
Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS): 6 năm tù,
Đậu Văn Hùng (cựu Tổng giám đốc VNS): 3 năm tù,
Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc TISCO): 9 năm 6 tháng tù,
Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO): 8 năm 6 tháng tù,
Ngô Sỹ Hán (cựu Phó tổng giám đốc, Trưởng Ban quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO): 8 năm tù,
Đặng Văn Tập (cựu phó giám đốc thường trực Ban quản lý dự án): 7 năm tù,
Đồng Quang Dương - nguyên Phó giám đốc BQLDA: 6 năm tù,
Đỗ Xuân Hòa - nguyên Kế toán trưởng TISCO: 5 năm tù,
Lê Thị Tuyết Lan - nguyên Phó phòng kế toán TISCO: 2 năm tù,
Uông Sĩ Bính - nguyên Phó phòng Kế toán VNS: 2 năm tù,
Nguyễn Văn Tráng - nguyên Ủy viên kiểm soát VNS: 2 năm tù,
Nguyễn Trọng Khôi - nguyên Phó Tổng giám đốc VNS: 3 năm tù,
Đặng Thúc Kháng - nguyên Trưởng ban Kiểm tra VNS: 3 năm tù,
Trịnh Khôi Nguyên - nguyên Trưởng phòng Đầu tư phát triển VNS: 2 năm tù.
5 bị cáo tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm cựu thành viên HĐQT VNS: Lê Phú Hưng 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Xuân Vinh 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Chí Dũng 2 năm tù, Hoàng Ngọc Diệp 2 năm tù, Đoàn Thu Trang 18 tháng tù.