Cựu Tổng thống Guatemala nhận án 16 năm tù vì tội tham nhũng
Cựu Tổng thống Guatemala Otto Pérez Molina và Phó Tổng thống dưới quyền ông cuối cùng đã bị kết án tù sau khi họ bị buộc thôi chức nhưng văn hóa không bị trừng phạt vẫn tồn tại.
Ngày 7-12, tòa án Guatemala đã ra phán quyết rằng ông Otto Pérez Molina - cựu Tổng thống và Roxana Baldetti - cựu Phó Tổng thống phạm tội tham nhũng tại một trong những vụ án tham nhũng nghiêm trọng nhất ở quốc gia Trung Mỹ này. Hai cựu lãnh đạo Pérez Molina và Baldetti bị kết án 16 năm tù mỗi người vì tham gia vào một kế hoạch gian lận thuế cùng khoản tiền phạt hơn 1 triệu USD. Văn phòng công tố viên đặc biệt của Guatemala trước đó đã đề nghị mức hình phạt 30 năm.
Họ đang tiếp tục bị khởi tố, điều tra về tội liên minh bất hợp pháp và gian lận nhưng cả hai được miễn tội làm giàu bất chính do thiếu bằng chứng. Quyết định này được đưa ra hơn 7 năm sau khi cả hai bị buộc phải từ chức, nhưng đối với nhiều nhà phân tích, phán quyết này chưa làm đến cùng về các hành vi tham nhũng của họ. Edie Cux, một luật sư của tổ chức chống tham nhũng Guatemala Accíon Ciudadana, cho biết: “Ở một khía cạnh nào đó, công lý đã được thực thi - nhưng không hoàn toàn. Nó gửi một thông điệp về sự yếu kém của thể chế liên quan đến các vụ xử lý tham nhũng và cũng có thể nói rằng, đó là một thông điệp về sự miễn trừ đối với các trường hợp làm giàu bất chính”.
Cả hai bị thông báo điều tra vào tháng 4-2015 do Văn phòng công tố kết hợp với Ủy ban Quốc tế chống miễn trừ trách nhiệm pháp lý ở Guatemala do Liên hợp quốc hậu thuẫn, đã phát hiện ra nạn tham nhũng nghiêm trọng trong hệ thống thuế của nước này, dẫn đến thâm hụt hơn 120 triệu USD. Vụ việc đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn quy tụ nhiều thành phần khác nhau của đất nước, bao gồm tầng lớp trung lưu, tiểu nông và tầng lớp doanh nhân, để yêu cầu hai ông Pérez Molina và Baldetti từ chức.
Bà Ana María Méndez, nhà phân tích Trung Mỹ của Văn phòng Washington về Mỹ Latinh cho biết: “Đó là một thời khắc lịch sử đối với Guatemala khi các thành phần dân cư khác nhau xích lại gần nhau. Chưa bao giờ người ta lại thấy tinh thần đoàn kết đến như vậy”. Sau nhiều tháng xảy ra biểu tình lớn, Tổng thống và phó tướng của ông đã từ chức, một phần cũng bởi mất đi sự ủng hộ của giới tinh hoa nắm giữ kinh tế đất nước.
Việc lãnh đạo chính quyền cũ từ chức mang lại hy vọng cho sự thay đổi, đúng thời điểm ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2015. Chiến thắng sau đó thuộc về ứng cử viên cực hữu Jimmy Morales, một cựu diễn viên hài, người đã vận động để lật tẩy vụ bê bối cùng lời hứa hẹn với cử tri rằng ông “không tham nhũng cũng không trộm cắp”. Tuy nhiên, Tổng thống Morales sau đó “hạ nhiệt” cuộc chiến chống tham nhũng, buộc Ủy ban Quốc tế chống miễn trừ trách nhiệm pháp lý phải chính thức đóng cửa sau khi ông từ chối gia hạn nhiệm vụ của cơ quan. Chưa hết, các thẩm phán, công tố viên, luật sư và những người khác tham gia chống tham nhũng phải đối mặt với truy tố hình sự; gần 30 nhân vật chống tham nhũng bị buộc phải lưu vong, trong đó có Juan Francisco Sandoval, cựu lãnh đạo FECI - cơ quan kế thừa các vụ án do ủy ban quốc tế điều tra - đã buộc phải bỏ trốn vào tháng 7-2021. Gần đây nhất, thẩm phán nổi tiếng quốc tế Miguel Ángel Gálvez, người ban đầu đưa cựu Tổng thống Pérez Molina và Baldetti ra xét xử, đã buộc phải từ chức sau nhiều tháng bị tấn công.
Những việc làm gây suy yếu cho các nỗ lực chống tham nhũng đã được Thẩm phán Jeannette Valdés nhắc lại trong phiên tuyên án hôm 7-12. Nhưng phán quyết với các cựu lãnh đạo Guatemala là một sự chứng thực mạnh mẽ cho công việc mà các nhà điều tra đã làm được, bất chấp họ có thể bị hạ uy tín và cản trở. “Đó là minh chứng cho công việc được thực hiện bởi những người đã làm việc với Ủy ban điều tra quốc tế và văn phòng công tố. Đó là một biểu tượng cho người dân Guatemala”, ông Juan Francisco Sandoval nói.