Cựu Tổng thống Zimbabwe và một di sản đầy tranh cãi

Ngày 6-9, cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, nhà lãnh đạo du kích đã đưa Zimbabwe giành độc lập vào năm 1980, đã qua đời ở tuổi 95, chỉ 2 năm sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự chấm dứt thời kỳ nắm quyền kéo dài gần 4 thập kỷ.

Ngày 6-9, cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, nhà lãnh đạo du kích đã đưa Zimbabwe giành độc lập vào năm 1980, đã qua đời ở tuổi 95, chỉ 2 năm sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự chấm dứt thời kỳ nắm quyền kéo dài gần 4 thập kỷ.

Ông Robert Mugabe qua đời ở tuổi 95. Ảnh: CNN

Ông Robert Mugabe qua đời ở tuổi 95. Ảnh: CNN

Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, người đã tiếp quản vị trí của ông Mugabe sau khi quân đội giành quyền kiểm soát đất nước vào tháng 11-2017, đã thông báo về cái chết của ông Mugabe trên Twitter: “Với nỗi buồn vô hạn, tôi xin thông báo về sự ra đi của vị cha già sáng lập nên Zimbabwe, cựu Tổng thống Robert Mugabe”. Ông nhấn mạnh nhà cựu lãnh đạo Zimbabwe “là biểu tượng của giải phóng, người ủng hộ hòa bình Châu Phi dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng và trao quyền cho nhân dân”. “Đóng góp của ông ấy đối với lịch sử quốc gia và lục địa này sẽ không bao giờ bị lãng quên. Cầu mong linh hồn ông được an nghỉ trong cõi vĩnh hằng”, Tổng thống Mnangagwa nói về người tiền nhiệm.

Qua đời tại Singapore

Cựu Tổng thống Mugabe ra đi sau một thời gian chống chọi với trọng bệnh. Một nguồn thạo tin cho biết, ông Mugabe qua đời tại Singapore - nơi ông thường xuyên tới để chữa bệnh trong mấy năm gần đây.

Hồi tháng 11-2018, Tổng thống Mnangagwa cho biết, ông Mugabe không thể đi lại được nữa khi ông được đưa vào bệnh viện ở Singapore, tuy nhiên không nói rõ về bệnh tình của ông. Các quan chức nói rằng, ông Mugabe đang được điều trị đục thủy tinh thể, phủ nhận các tin tức truyền thông rằng ông bị ung thư tuyến tiền liệt. Tháng trước, ông Mnangagwa tuyên bố, sau 4 tháng ở lại bệnh viện Singapore, ông Mugabe vẫn đang được theo dõi. Đây là lần đầu tiên chính phủ tiết lộ ông đã ở bệnh viện bao lâu. “Không giống như trước đây khi cựu tổng thống chỉ nằm bệnh viện một tháng, lần này các bác sĩ xác định rằng ông sẽ được theo dõi lâu hơn nữa”, ông Mnangagwa thông báo hôm 5-8.

Trong cuộc họp nội các 2 tuần trước, Tổng thống Mnangagwa thông báo các bác sĩ dừng điều trị cho ông Mugabe nhưng vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến sức khỏe. Người thân của cựu Tổng thống Zimbabwe sáng 6-9 đã đến Singapore.

Từ anh hùng đến nhân vật bị lật đổ

Cuộc đời của ông Mugabe đầy tranh cãi với với những đợt đàn áp bạo lực để duy trì quyền lực, và chính sách kinh tế thất bại khiến vùng đất từng là “rổ bánh mì” của phía nam Châu Phi rơi vào nghèo đói.

Sau khi lãnh đạo Zimbabwe giành độc lập từ Anh vào năm 1980, ông Mugabe được ca ngợi là một anh hùng giải phóng Châu Phi và là nhà vô địch về hòa giải chủng tộc. Ông từng được so sánh với nhà đấu tranh đòi tự do Nam Phi Nelson Mandela. David Coltart, một thượng nghị sĩ phe đối lập và là luật sư nhân quyền, người phản đối ông Mugabe nhưng lại bày tỏ sự kính trọng đối với nhà lãnh đạo này. “Ông ấy là một người khổng lồ trên sân khấu của Zimbabwe và di sản tích cực mà ông ấy để lại chính là vai trò của chính ông trong việc chấm dứt sự cai trị của người thiểu số da trắng và phát triển một nền giáo dục chất lượng cho tất cả người dân Zimbabwe”, ông Coltart viết trên Twitter.

Tất cả bị xóa sạch bởi những thất bại trong chính sách đất đai, kinh tế sau này của ông khiến kinh tế Zimbabwe hoàn toàn sụp đổ. Hiện tại, Zimbabwe vẫn trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong một thập kỷ. Lạm phát ở mức ba chữ số, năng lượng bị cắt giảm, thiếu hụt đồng USD Mỹ và hàng hóa cơ bản đã làm sống lại những ký ức về siêu lạm phát từng buộc Zimbabwe phải từ bỏ đồng tiền của mình vào năm 2009. Nhiều người trong và ngoài nước đã tố cáo ông là một kẻ chuyên quyền bị ám ảnh bởi quyền lực, sẵn sàng tung ra các “đội tử thần” chống lại những kẻ thù chính trị.

Ông Mugabe lãnh đạo Zimbabwe trong 38 năm cho đến khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính không đổ máu vào tháng 11-2017. Các thành viên trong đảng cầm quyền Zanu-PF phản đối việc ông sa thải ông Emmerson Mnangagwa, khi đó giữ chức phó tổng thống, để dọn đường thăng tiến cho vợ mình là Grace Mugabe. Ông Mnangagwa bị trục xuất khỏi đất nước nhưng sau đó nhận được sự ủng hộ của quân đội để hồi hương. Lực lượng quân đội cũng giam lỏng ông Mugabe tại nhà riêng và được cho là đã ép nhà lãnh đạo chấp nhận từ chức trong hòa bình. Ông Mugabe được trao quyền miễn truy tố và đảm bảo được an toàn. Điều này khiến nhiều người dân Zimbabwe tức giận vì cho rằng ông là nguyên nhân khiến nền kinh tế đất nước sụp đổ.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_212211_cuu-tong-thong-zimbabwe-va-mot-di-san-day-tranh-cai.aspx