Cứu 'trái tim xanh' của châu Âu
Là một trong những con sông lạnh nhất thế giới, sông Neretva chảy qua khu rừng của Bosnia và Herzegovina, nơi được coi là hệ sinh thái độc đáo với rất nhiều loài sinh vật quý hiếm. Tuy nhiên hiện nay, dòng sông này giống như nhiều con sông trên toàn thế giới đang bị đe dọa bởi các con đập.
Dòng sông bị đe dọa
Sông Neretva chảy qua khu rừng bất khả xâm phạm của Bosnia và Herzegovina có màu xanh lam đầy mê hoặc, dài 225km từ sâu bên trong dãy núi Dinaric Alps đến Biển Adriatic.
Là một trong những con sông lạnh nhất thế giới, Neretva là nơi sinh sống của vô số loài quý hiếm, từ cá hồi cẩm thạch và cóc bụng vàng cho đến loài kỳ giông mù sống trong mạng lưới hang động của sông.
Nhưng điều này có thể thay đổi. Giống như nhiều con sông trên toàn thế giới, Neretva đang bị đe dọa bởi các con đập. Theo Trung tâm Môi trường - một tổ chức bảo tồn của Bosnia - hơn 50 dự án thủy điện được đề xuất dọc theo chiều dài và các nhánh của con sông, gần một nửa trong số này được lên kế hoạch cho các vùng thượng lưu cho đến nay vẫn còn hoang sơ và không bị cản trở.
Những con đập này có thể gây hại không chỉ cho dòng sông và cư dân ở đó mà còn ảnh hưởng môi trường rộng lớn.
Tại Ulog - một ngôi làng trên Neretva - có thể tận mắt chứng kiến khả năng bị hủy diệt. Một nhà máy thủy điện 35MW với một con đập cao 53m đang trong giai đoạn hoàn thiện: cây cối dọc bờ sông bị chặt để nhường chỗ cho nơi sẽ trở thành hồ chứa, đường vào cho xe chở gỗ và xe xây dựng bị cắt như những vết sẹo xuyên qua sông.
Chính tại đây, vào tháng 6 vừa qua, hơn 60 nhà khoa học từ 17 quốc gia đã tập trung tham gia “Tuần lễ Khoa học Neretva” với mục đích chung: cứu Neretva.
Ông Ulrich Eichelmann - Giám đốc điều hành của Riverwatch và điều phối viên của chiến dịch Save the Blue Heart of Europe (Tạm dịch: Cứu trái tim xanh của châu Âu) để bảo vệ các dòng sông Balkan - cho biết: “Họ muốn giúp chúng tôi cứu lấy dòng sông này. Đây có lẽ là một trong những con sông đa dạng sinh học và có giá trị nhất ở châu Âu, đồng thời, nó cũng bị đe dọa nhiều nhất”.
Theo một dự án nghiên cứu của châu Âu, các dòng sông ở khu vực này bị tắc nghẽn nhất trên thế giới, với hơn 1 triệu rào cản từ đập và đập dâng đến đường dốc và cống. Những rào cản đó đã gây thiệt hại cho động vật hoang dã, thậm chí 1 trong 3 loài cá nước ngọt đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Tại Tuần lễ khoa học Neretva, không chỉ các chuyên gia về cá mà cả những chuyên gia nghiên cứu về dơi, nấm, bướm và những loài khác đều lo ngại về các dự án thủy điện.
Theo ông Eichelmann, phù sa từ công trình xây dựng tích tụ dưới lòng sông sẽ giết chết những sinh vật nhỏ nhất. Khi nước ô nhiễm hơn, thực vật và động vật dưới sông và dọc theo bờ sông sẽ bị ảnh hưởng. Ông Eichelmann cho rằng: “Những điều bạn làm với dòng sông nhỏ, sẽ dẫn đến cách bạn làm với dòng sông lớn hơn và cuối cùng là với đại dương”.
Thủy điện không được khuyến khích
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năng lượng tái tạo sẽ là “cứu cánh” cho tình trạng này. Tại Bosnia, thủy điện là nguồn điện chính – chiếm 37% tổng sản lượng điện của quốc gia vào năm 2021. Khi đất nước và thế giới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện có thể cung cấp nguồn năng lượng sạch hơn.
Các sáng kiến nhằm mục đích trung lập với khí hậu vào năm 2050, đang thúc đẩy phát triển thủy điện trên toàn khu vực.
Các nhà khoa học cho rằng, những dự án về thủy điện có thể mang lại thu nhập và việc làm cho người dân bản xứ. Người phát ngôn của EFT Group - công ty đầu tư và kinh doanh năng lượng dẫn đầu dự án phát triển thủy điện Ulog - lưu ý, các công ty và công nhân địa phương đã và sẽ được sử dụng trong cả quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy. Công ty cho biết thêm, một đánh giá tác động môi trường “đã được chuẩn bị, xem xét và phê duyệt theo các quy định hiện hành”.
Ông Radomir Sladoje - Thị trưởng Kalinovik (đô thị địa phương) - đã lặp lại điều này khi phát biểu vào ngày đầu tiên tại Tuần lễ Khoa học Neretva. Ông Kalinovik thừa nhận rằng, nhiều người dân có thể tức giận vì chính quyền địa phương đã phê duyệt đập Ulog, nhưng ông cho rằng, việc phát triển đập này vẫn cần thiết và ông bày tỏ cần sự hỗ trợ cho việc này.
Trong khi đó, Chiến dịch Save the Blue Heart of Europe cho biết, mục tiêu của họ không phải là cấm hoàn toàn thủy điện, mà là đảm bảo nó tuân theo một phương pháp lập kế hoạch nghiêm ngặt, ưu tiên bảo tồn thiên nhiên. Họ cũng muốn các vùng cấm được thực hiện trong các khu vực đa dạng sinh học quan trọng.
Ông Eichelmann nói: “Thủy điện có mục đích riêng. Nhưng giống như trong y học, trong khi liều lượng nhỏ có thể đúng và tốt cho sức khỏe, nhưng nếu bạn dùng quá liều, nó sẽ gây chết người”.
Theo các chuyên gia, bảo tồn dòng chảy tự do của sông cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế thông qua việc phát triển các hoạt động du lịch như đi bè, câu cá và leo núi. Đã có nhiều phần bị xây đập, sông Neretva giờ đây không đủ điều kiện là một hệ sinh thái với sự đa dạng về sinh vật, nhưng việc bảo tồn những đoạn nguyên vẹn vẫn có giá trị. Mặc dù có thể đã quá muộn để ngăn đập Ulog, song có những dấu hiệu cho thấy, chiến dịch này có thể ngăn cản các dự án thủy điện được lên kế hoạch cho vùng nước nguyên sơ ở thượng nguồn.
Gần đây, các hợp đồng xây dựng 15 nhà máy thủy điện nhỏ được lên kế hoạch cho Neretvica, một nhánh của sông Neretva, đã bị chấm dứt. Năm 2022, chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ của Công ước Bern, một thỏa thuận quốc tế nhằm bảo vệ hệ động thực vật châu Âu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cuu-trai-tim-xanh-cua-chau-au-5726084.html