Cứu trẻ 12 tuổi chấn thương sọ não, sốc phản vệ

Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một phút nếu không được xử trí kịp thời.

Ngày 28/4, Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) cho biết đã cấp cứu thành công bệnh nhi 12 tuổi bị chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông, sốc phản vệ do kháng sinh...

Theo đó, bệnh nhi K.B.L, 12 tuổi bị tai nạn giao thông được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba trong tình trạng đau đầu chóng mặt, buồn nôn, vùng trán xuất hiện vết sưng nề bầm tím xây xát có rớm máu kích thước 4x5cm, chân, tay 2 bên có nhiều vết thương xây xước da rớm máu, dính bụi đất bẩn xung quanh.

Ngay khi tiếp nhận, kíp bác sĩ trực thăm khám và chỉ định chụp CT.Sanner sọ não. Kết quả cho thấy, bệnh nhi có hình ảnh xuất huyết não tụ máu ngoài màng cứng, tụ khí ngoài màng cứng thùy trán phải; gãy thành hốc xoang hàm phải, gãy xương trán phải; tụ dịch xoang trán phải, dày niêm mạc xoang hàm phải; được chỉ định dùng thuốc giảm đau, tiêm kháng độc uốn ván, kháng sinh.

Trong quá trình điều dưỡng tiến hành tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch theo y lệnh, khi tiêm được 1/3 bơm tiêm (7ml/20ml kháng sinh), bệnh nhi bất ngờ xuất hiện các biểu hiện sốc phản vệ, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt và rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn.

Cấp cứu cho bệnh nhi sốc phản vệ do kháng sinh - Ảnh BVCC

Cấp cứu cho bệnh nhi sốc phản vệ do kháng sinh - Ảnh BVCC

Nhận định đây là tình huống khẩn cấp, ngay lập tức, kíp trực đã tiến hành hồi sức tim phổi cấp cứu sốc phản vệ theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Báo động cấp cứu toàn viện.

Sau khoảng 3 phút nỗ lực cấp cứu, tim bệnh nhi đã đập trở lại. 5 phút sau bệnh nhi tỉnh, gọi hỏi biết, huyết áp đã đo được ổn định. Sau 20 phút, bệnh nhi tỉnh táo, thở oxy qua gọng kính, có thể giao tiếp bình thường với nhân viên y tế và người nhà.

Sau khi bệnh nhi ổn định, các bác sĩ tiên lượng có thể chảy máu não thêm ở vùng tổn thương nên chỉ định chuyển tuyến đến cơ sở Y tế có khả năng phẫu thuật sọ não để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Theo BSCKII. Cao Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, đây là minh chứng cho thấy hiệu quả của tuân thủ quy trình cấp cứu sốc phản vệ, cũng như khả năng phối hợp nhanh chóng, nhịp nhàng của toàn bộ ê kíp y bác sĩ.

Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một phút nếu không được xử trí kịp thời.

Việc cấp cứu thành công ca bệnh này cho thấy vai trò rất quan trọng của việc theo dõi sát người bệnh sau khi dùng thuốc, cũng như sự sẵn sàng và phối hợp của đội ngũ nhân viên y tế trong những tình huống khẩn cấp.

Thúy Nga/ TT&CS

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/vietnamdaily-relax/cuu-tre-12-tuoi-chan-thuong-so-nao-soc-phan-ve-269515.htm