Cứu trợ thiên tai: Sao cho hiệu quả?

Suốt những ngày qua, cả nước hướng về vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Những chuyến hàng cũng là những nghĩa cử, những tấm lòng sẻ chia. Tuy nhiên, hoạt động từ thiện, hỗ trợ thế nào để đạt hiệu quả cao nhất vẫn là vấn đề cần quan tâm.

Nhiều người đã chọn những cách ủng hộ thiết thực, hiệu quả để giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt ở miền Bắc. Ảnh: Phương Mai.

Nhiều người đã chọn những cách ủng hộ thiết thực, hiệu quả để giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt ở miền Bắc. Ảnh: Phương Mai.

Không để nơi thừa, nơi thiếu

Thực tế những ngày qua cho thấy, không ít cá nhân, đoàn cứu trợ mang quá nhiều thực phẩm, đồ dùng không phù hợp lên vùng lũ, trong khi điều kiện bảo quản, đun nấu không có, khiến nhiều loại thực phẩm bị hỏng, gây lãng phí.

Trao tận tay cho người dân vùng lũ là tâm nguyện của những nhà hảo tâm. Tuy nhiên, cũng không dễ biết đâu là nơi đồng bào đang gặp khó khăn nhất. Vì thế, nếu hoạt động đơn lẻ, tự phát dẫu rất quý nhưng không chắc đến được đúng địa chỉ. Trong nhiều trường hợp, nơi cần được hỗ trợ thì không có đoàn nào đến, ngược lại nơi ít khó khăn hơn nhưng thuận lợi giao thông lại có rất nhiều đoàn.

Ông Đặng Công Quang - Ủy ban MTTQ xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nơi từng hứng chịu nhiều đợt mưa lũ chia sẻ, sự hỗ trợ nào cũng đều quý giá. Nhưng sau lũ, nhà nào cũng cần phải mua sắm lại hết tất cả. Từ chén bát, bột giặt, quần áo, sách vở, thậm chí cả tivi, tủ lạnh. Chưa kể đến tiền để sửa sang lại nhà nếu chẳng may bị lún, sập… “Bà con rất cần tiền để khắc phục cuộc sống, nhất là công nhân, người lao động nghèo. Họ có nhiều thứ cần phải mua sắm, trang trải theo nhu cầu, hoàn cảnh của mình nên được hỗ trợ tiền mặt sau thiên tai bà con rất mừng” - ông Quang nói.

Quan trọng nhất của mọi hoạt động từ thiện là phải đúng người, đúng đối tượng và tạo ra cơ chế giám sát từ cộng đồng. Mà điều đó chỉ có được thông qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và chính quyền địa phương. Tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, hoàn lưu bão số 3 trút những trận mưa dữ dội, nước sông suối dâng nhanh gây sạt lở, hạ tầng giao thông gián đoạn... là những trở ngại lớn không chỉ đối với người dân vùng ngập lụt mà còn gây khó khăn, cản trở cho những đoàn người, hàng hóa trên đường đi cứu trợ nếu không nắm rõ tình hình. Thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu mắc kẹt ở khu vực ngập lũ, nguy cơ sạt lở núi, lũ ống. Thực tế ấy đã từng xảy ra ở những mùa lũ lụt trước.

Hành động kịp thời, chủ động đi cứu trợ là rất đáng quý, nhưng trước hết phải đảm bảo an toàn cho chính mình và không làm rối thêm cho các địa phương bị hoạn nạn. Hoạt động cứu trợ không chỉ bằng tấm lòng mà cần có kinh nghiệm, kỹ năng và đặc biệt là cần thông qua MTTQ và chính quyền địa phương vùng thiên tai. Điều đó sẽ tránh được nơi thì ùn ứ hàng hóa dẫn đến hư hỏng phí phạm, nơi người dân trông ngóng từng ngày thì lại thiếu thốn.

Nói như PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa khoa Văn hóa và Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thì cứu trợ cứu nạn vùng bão lũ, đó là một môi trường đặc biệt. Nếu không hiểu biết về cuộc sống nơi đó sẽ không phát huy được tác dụng cứu trợ, đi cứu hộ cứu nạn lại trở thành nạn nhân.

Chia sẻ từ một người trong đoàn thiện nguyện tới vùng lũ cho biết, người ở khu ngập lụt cô lập nhận được 1 thì người ở ngoài, nơi không bị ngập, giao thông đi lại bình thường thì lại nhận được 10.

Tại vùng lũ Lào Cai, Yên Bái... khu vực cần được tiếp tế thì phải có phương tiện chuyên dụng mới vào được. Trong khi hàng hóa cứu trợ chủ yếu là thực phẩm ăn nhanh nên rất nhanh hỏng, dẫn tới việc chỗ cần vẫn cần mà chỗ thừa vẫn cứ thừa. Giải cứu người vừa xong lại phải “giải cứu đồ từ thiện”.

Việc cứu trợ người dân vùng bão lũ cần thực hiện kịp thời, bài bản.

Việc cứu trợ người dân vùng bão lũ cần thực hiện kịp thời, bài bản.

Phải biết cái dân cần

Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội dày đặc thông tin liên quan đến việc kêu gọi từ thiện, phát đồ cứu trợ, hỗ trợ cho người dân vùng lũ. Ngoài những nhóm thiện nguyện có kinh nghiệm thì không ít người xuất phát từ tấm lòng, mang hàng lên cứu trợ nhưng thiếu kinh nghiệm, dẫn đến việc hỗ trợ không hiệu quả.

Trên facebook cá nhân, ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ, nhóm cứu trợ đến huyện Yên Sơn, Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đã được sự góp sức của những tay bơi lặn giỏi có nhiều kinh nghiệm với dòng nước sông Hồng. Món quà được gửi tới người dân với mục tiêu “Gia đình cùng vượt lũ” gồm những món đồ rất thiết thực, bao gồm thuốc berberin (chống tiêu chảy), panadol (giảm đau, giảm sốt), dầu gió, thuốc cảm cho trẻ em, nước muối sinh lý, men tiêu hóa, lương khô, đèn pin, sạc dự phòng, chai nước uống và thuốc trị ghẻ...

“Đây là một túi quà mà mình nghĩ sẽ rất thiết thực cho các gia đình vùng khó khăn sử dụng cả trong và sau lũ” - nữ ca sĩ cho biết.

Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, người dân vùng bão lúc này đang cần giúp đỡ nhu yếu phẩm, thực phẩm, thuốc men, sau đó huy động sức mạnh tiền của để khôi phục lại sự mất mát về nhà cửa, đường sá, phương tiện…

“Chúng ta có nhiều hàng hóa nhưng đã bị trùng lặp, chỗ cần thì không có, chỗ thì lại thừa, do vậy cần chuyển đúng đối tượng. Thiện nguyện cũng phải công khai, minh bạch, thể hiện tinh thần chia sẻ" - ông Lợi nói.

Còn theo ông Trần Sỹ Pha - Trưởng ban Công tác xã hội - Quản lý thảm họa (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), hiện mực nước tại một số địa phương vùng lũ đã rút, khả năng tiếp cận với hiện trường, tiếp cận với người dân đã dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nguyên tắc an toàn chung khi các đoàn cứu trợ tới các địa phương, trước hết là muốn cứu trợ, đảm bảo an toàn cho người khác, mình cũng cần bảo vệ cho chính mình. Cần bảo đảm tính kết nối giữa các thành viên trong đoàn cứu trợ với nhau và với những người dân địa phương để đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như an toàn cho người được cứu trợ.

Cũng theo ông Pha, các đoàn cứu trợ nên liên lạc thông qua kênh chính thức là MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, bởi ở đó có các số liệu thống kê về tình hình thiệt hại, nhu cầu cấp bách nhất của những nơi bị ảnh hưởng. Có nghĩa là phải biết người dân cùng lũ đang cần cái gì nhất.

Mưa lũ sau bão số 3 đã tạm thời đi qua, nhưng hậu quả để lại rất thảm khốc, việc khắc phục là vô vàn khó khăn. Vì thế, việc hỗ trợ cho người dân vùng lũ sẽ vẫn tiếp tục, càng cần nhiều tấm lòng thơm thảo hơn nữa. Nhưng hoạt động cứu trợ, thiện nguyện thế nào để đạt hiệu quả cao nhất thì vẫn là câu chuyện thời sự không chỉ của ngày hôm nay.

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Trưởng phòng Chính sách Bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội):

Cần một bộ máy phản ứng nhanh để ứng phó với tình trạng khẩn cấp

Theo quy định, việc điều phối lực lượng cứu trợ thuộc trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ. Tuy nhiên, do hậu quả quá lớn và nặng nề của cơn bão số 3, có hàng trăm người tử vong, mất tích, với truyền thống tương thân, tương ái, nhiều người dân đã tới tận nơi góp sức, trao tình cảm cho đồng vào trong hoàn cảnh khó khăn và nguy nan nhất. Là đơn vị tham mưu cho Bộ về hoạt động cứu trợ, chúng tôi đánh giá cao tinh thần đó.

Để việc cứu trợ của các cơ quan chức năng và những người/ nhóm/ tổ chức từ thiện do người dân tự nguyện xung phong vào vùng bão lũ không bị chồng chéo, Cục Bảo trợ xã hội đã tham mưu cho Bộ, gửi công điện tới các tỉnh thành và tập trung vào những nhiệm vụ sau: Rà soát toàn bộ thiệt hại của người dân (về người, hạ tầng, nhà ở, nông nghiệp), đánh giá lại, xây dựng các nhóm giải pháp để triển khai, hỗ trợ cho người dân.

Trước một cơn bão lớn, hậu quả nặng nề và quá bất ngờ, mặc dù chúng ta đã thiết lập một hệ thống để đánh giá, ứng phó, tuy nhiên do hoàn cảnh quá gấp gáp, còn những địa bàn chưa kịp triển khai hoặc chưa triển khai trọn vẹn, bởi vậy tình trạng người dân kêu cứu xuất hiện trên mạng xã hội. Thực trạng này đặt ra yêu cầu nghiên cứu một bộ máy phản ứng nhanh để ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Đó có thể là một mô hình của chính quyền, hệ thống từ địa phương, cơ sở, trong đó các đoàn thể, cá nhân cùng góp sức. Ở đó, sự hỗ trợ mang tính chất tự nguyện của các cá nhân cũng rất quan trọng, nhưng cần có sự tư vấn, phân chia cụ thể.

Tôi hy vọng sắp tới các thể chế chính sách sẽ hoàn chỉnh, đáp ứng các hạn chế của công tác hỗ trợ hiện nay. Không thể để tình trạng cả thôn 300 người mà có tới hàng nghìn chiếc bánh chưng gửi tới, vừa không thể dùng hết, vừa lãng phí công sức của đồng bào.

M.H

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam):

Khi ứng phó với thiên tai, thái độ chuyên nghiệp sẽ giảm bớt thiệt hại

Bên cạnh những kết quả tích cực trong việc cứu trợ thiên tai từ các tổ chức, cá nhân, tôi cho rằng vẫn có nhiều bất cập xảy ra, cần thay đổi để tránh lãng phí, chồng chéo. Một số nơi cần cứu trợ ngay, khẩn trương nhưng nằm tại vùng sâu, vùng xa, có những món đồ khi tới nơi không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, một số địa phương được nhiều đoàn cứu trợ giúp đỡ, dẫn tới lãng phí về thực phẩm, vật dụng. Cũng bởi vậy, chúng ta phải có sự thống kê, đánh giá tình hình. Thiên tai xảy ra rất nhanh với nhiều biến động khó lường trước, người tổ chức, thực hiện công tác cứu trợ phải được đào tạo, có kịch bản phân công tuần tự, hợp lý, kịp thời. Những ngày qua, tôi nghe được thông tin rằng có những người dân đi cứu trợ nhưng gặp tai nạn, lực lượng cứu hộ phải đi cứu trợ họ, dẫn đến bộ phận điều hành thêm vất vả.

Việc cứu trợ tự phát đang thiếu đi "bàn tay" tổ chức, cần phải có bộ máy phản ứng nhanh, quy chuẩn rất cụ thể, rõ ràng. Khi ứng phó với thiên tai, thái độ chuyên nghiệp sẽ giảm bớt thiệt hại, hậu quả, điều này cần một đội ngũ thường xuyên, sẵn sàng cao độ.

M.H

Bắc Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cuu-tro-thien-tai-sao-cho-hieu-qua-10290444.html