Cựu Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An và các đồng phạm lĩnh án
Ông Lương Thanh Hải, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Quản lý Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu, giai đoạn 2016-2025, đã liên đới gây thiệt hại hơn 1,56 tỷ đồng phải lĩnh 3 năm tù treo.
Hôm nay (19/11), Toàn án nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến nhóm cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, gồm các bị cáo: Kim Văn Bốn (sinh năm 1983), nguyên cán bộ Phòng chính sách; Nguyễn Tâm Long (sinh năm 1974), nguyên Phó Trưởng phòng Chính sách; Chu Thị Thúy Khanh, nguyên Kế toán Ban Dân tộc; Lê Văn Sơn (sinh năm 1962), Giám đốc Công ty Xây dựng Văn Sơn; Nguyễn Đình Thịnh (sinh năm 1981), Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Văn Sơn.
Bị cáo Lương Thanh Hải (sinh năm 1962), nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, kiêm Trưởng Ban quản lý Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016-2025, bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đề án trên tổng kinh phí 120 tỷ đồng, triển khai tại xã Nga Mi, huyện Tương Dương với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn, phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán... của dân tộc thiểu số Ơ Đu ở Nghệ An.
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ triển khai gói thầu số 1 (được phê duyệt kinh phí 2,7 tỷ đồng), Kim Văn Bốn nhiều lần lập khống chứng từ, nâng khống khối lượng thực hiện các hạng mục gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 1,33 tỷ đồng.
Sau khi nhận được chênh lệch, bị cáo Bốn và bị cáo Long thống nhất không nhập quỹ, không đưa vào hạch toán trong sổ kế toán khoản tiền trên. Đồng thời, lập bảng cân đối thu chi và dự kiến mức chia khoản tiền này cho lãnh đạo, cán bộ ở nhiều phòng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
Trong quá trình điều tra, Bốn và Long khai đã chia cho ông Lương Thanh Hải 500 triệu đồng, bản thân 2 bị cáo nhận mỗi người 200 triệu đồng, số tiền còn lại chia cho các cá nhân khác. Tuy nhiên, bị cáo Lương Thanh Hải và những cán bộ khác của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An không thừa nhận việc nhận tiền. Cơ quan điều tra không chứng minh được số cán bộ này đã nhận tiền của Long và Bốn đưa, do vậy không có căn cứ để xem xét, xử lý.
Trong gói thầu số 2 của Đề án, do công ty của Lê Văn Sơn thực hiện có hạng mục mua máy cày do Nhật Bản sản xuất. Tuy nhiên, loại máy cày này không còn bán trên thị trường, Lê Văn Sơn và Nguyễn Đình Thịnh đã sử dụng một bộ hồ sơ của loại máy cày cùng chủng loại do Thái Lan sản xuất để nghiệm thu công trình, đưa vào khai thác sử dụng, dù trên thực tế chưa có máy cày để bàn giao cho đơn vị hưởng lợi là bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương.
Nguyễn Tâm Long biết biên bản nghiệm thu, hồ sơ thanh toán máy cày không đúng quy định của pháp luật, chưa có máy cày để bàn giao nhưng khi Công ty xây dựng Văn Sơn đề nghị thanh toán khoản tiền mua máy cày vẫn ký nháy vào các văn bản để công ty này thanh toán số tiền hơn 224 triệu đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, Nguyễn Tâm Long và Kim Văn Bốn phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; Chu Thị Thúy Khanh phải liên đới chịu trách nhiệm đối với số tiền 224,5 triệu đồng.
Đối với bị cáo Lương Thanh Hải, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã không kiểm tra chặt chẽ kết quả thực hiện công việc của cán bộ dưới quyền, khi ký các tài liệu trong hồ sơ đề nghị thanh toán các hạng mục thuộc Đề án không kiểm tra tính xác thực của các chứng từ dẫn tới không phát hiện được sai phạm của các cán bộ dưới quyền và đơn vị đối tác. Bị cáo Lương Thanh Hải được xác định liên đới gây thiệt hại cho Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An hơn 1,56 tỷ đồng.
Sau khi vụ án bị phát hiện, các bị cáo đã khắc phục hoàn toàn thiệt hại gây ra.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Tâm Long 5 năm tù, Kim Văn Bốn 4 năm tù, Lương Thanh Hải 36 tháng tù treo; các bị cáo: Lê Văn Sơn 18 tháng tù treo, Nguyễn Đình Thịnh, 15 tháng tù treo và Chu Thị Thúy Khanh 15 tháng tù treo.