Cựu tù Côn Đảo kể chuyện lén học Di chúc Bác Hồ
Địch tra tấn dã man, những người tù Côn Đảo vẫn lén học Di chúc Bác Hồ trong 2 tháng, thấm đẫm từng câu từng chữ.
Trong chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức hôm qua, nhiều tập thể, cá nhân với những việc làm thiết thực, gương mẫu đã có những chia sẻ về Bác.
Nhớ như in câu đầu tiên
TS Sử học Bùi Văn Toản, một cựu tù Côn Đảo kể, trong chính sách tố cộng, diệt cộng của chính quyền Sài Gòn, lực lượng tù chính trị được phân làm 2 thành phần: một thành phần là kiên trung với lý tưởng cách mạng, kiên quyết bảo vệ uy danh của Đảng, của Bác Hồ; còn lại là thành phần bị địch khuất phục về mặt chính trị, phải thực hiện theo nội quy nhà giam mà địch đề ra.
"Chúng tôi bị giam ở 'chuồng cọp', biệt giam - không được ra ngoài, khi có tin Bác mất nhưng chúng tôi hoàn toàn không tin, coi đây là thủ đoạn tâm lý của địch để đánh lạc hướng, làm suy mòn lòng tin của những người tù.
Mãi đến tháng 12/1969, khi những anh em ở đất liền bị đày ra đảo báo lại, anh em mới tin là Bác đã mất.
1 xà lim địch nhốt 5 người, tuyệt đối không được nói chuyện với nhau, không được nằm quay mặt vào nhau. Đến cuối năm 1969, địch giải tỏa, đưa tất cả anh em lên phòng giam lớn, mỗi phòng từ 40-50 người. Để chuẩn bị cho kỷ niệm sinh nhật Bác, ngày 19/5/1970, toàn trại phát động học tập Di chúc Bác Hồ.
Chúng tôi học Di chúc Bác mất 2 tháng, truyền cho nhau, thảo luận từng lời, từng ý để thấm vào con người, từ đó đề ra kế hoạch cho cả bạn, cho cả phòng và tổ chức tự kiểm điểm, tự phê bình từng người, phải đề ra ý thức phấn đấu cá nhân.
Anh em tù nào cũng nhớ như in câu đầu tiên của Di chúc: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn".
Câu đó động viên những tù nhân giữ vững niềm tin vào cách mạng, thắng lợi của cách mạng.
'Những người như cháu mà Bác cũng đến sao'
GS Hoàng Chí Bảo là người dành rất nhiều năm để nghiên cứu, sưu tầm, chia sẻ những câu chuyện kể về Bác Hồ.
Nói đến Bác Hồ, điều sâu thẳm trong trái tim, tâm hồn của mỗi người Việt Nam là tình cảm yêu nước thương dân của Bác và cả cuộc đời Bác chỉ vì dân vì nước mà tranh đấu hy sinh, ông Bảo cảm nhận sâu sắc rằng tên Bác là biểu tượng cao quý của điều này. Bác đã là Nguyễn Ái Quốc khi tìm đường cứu nước.
Cách mạng tháng 8 thành công, Bác là nguyên thủ quốc gia, là Nguyễn Ái Dân.
Yêu nước thương dân là lẽ sống của cuộc đời Người. Gần với dân như một nhu cầu sống, nhu cầu văn hóa của Bác mà chúng ta phải noi theo.
Chỉ riêng 10 năm cuối đời, Bác đã có 700 lần đến với nhân dân ở cơ sở, đặc biệt là nông dân. Đi chúc Tết đồng bào ở Hà Nội, Bác căn dặn Thành ủy bố trí cho đi thăm 2 đối tượng đặc biệt mà Bác thường đi thăm trong đêm giao thừa hay sáng mồng 1 Tết.
Thứ nhất là các trí thức danh tiếng vì Bác rất tôn trọng người hiền tài như GS Đặng Thai Mai, GS Tôn Thất Tùng, GS Hồ Đắc Di, bác sĩ Trần Duy Hưng...
Nhóm thứ 2, những ai nghèo khổ nhất, cuộc sống vất vả, gian nan, bất hạnh nhất thì Bác đến thăm. Bác đã chọn một gia đình nghèo ở ngõ chợ Quán Thánh. Gia đình đó có người phụ nữ góa chồng và 5 con nhỏ, đến phút giao thừa trên bàn thờ cũng lạnh ngắt, không có nải chuối xanh hay nén hương.
Bác đến mà người mẹ vất vả này còn đi gánh nước, bổ củi để kiếm mấy đồng bạc mua gạo cho con. Nhìn các cháu nhỏ quần áo không được tươm tất, Bác rất xót xa. Bác chia kẹo cho các cháu mà ứa nước mắt.
Khi người phụ nữ trở về nhà, chị cảm động quá, đánh rơi thùng nước, ôm chầm lấy Bác khóc nức nở và nói: "Những người như cháu mà Bác cũng đến thăm sao?".
Đợi cho người phụ nữ đỡ xúc động, Bác nói một câu bằng trái tim, bằng tấm lòng mình: "Những người như cháu mà Bác không đến thì Bác còn đến với ai".
GS Hoàng Chí Bảo nhớ điều Bác dặn: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của muôn dân. Mà dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân”.
Cựu Tổng giám đốc FPT và 5 bài học rút ra từ việc học Bác
TS Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng trường Đại học FUNIX, Phó chủ tịch HĐQT Đại học FPT, nguyên Tổng giám đốc FPT đã nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm những cuốn sách, câu chuyện về Bác Hồ.
Ông Nam 2 lần được "gặp" Bác Hồ, 2 lần đều ấn tượng sâu sắc. Lần đầu, năm 1976, khi ông học lớp 8, được bầu làm quản ca, lớp ông đã được học bài hát “Biết ơn Bác Hồ” của tác giả Lưu Bách Thụ.
Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ đời đời,
Bao nhiêu năm sống trong nguy nan điêu linh.
Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ đời đời,
Một lòng vì dân Người đấu tranh không ngừng.
Xa quê hương bốn phương mịt mùng lạnh lùng,
Trong thâm tâm những mong sao cho nhân dân,
Xua cho tan những quân tham tàn nhục hình.
Việt Nam chịu ơn Hồ Chí Minh muôn năm…
Lần thứ 2 là năm 2002, khi ông được giao nhiệm vụ mở thị trường xuất khẩu phần mềm ở Mỹ và thực sự khó khăn vì ta không giỏi về công nghệ, không giỏi về ngoại ngữ, cũng không có tên tuổi.
Đi đến một hiệu sách ở Mỹ, ông mua cuốn sách có tên “Hồ Chí Minh một cuộc đời” của tác giả William Duiker.
"Tôi đã đọc một mạch hết quyển sách đó, nó đã mang lại cho tôi niềm cảm hứng vô bờ bến rằng những khó khăn đó tôi gặp phải chẳng là gì so với những khó khăn mà Bác đã trải qua.
Đó là lần đầu tiên tôi được đọc toàn bộ cuộc đời của Người từ bé đến lớn. Tôi mất 2 năm để dịch sang tiếng Việt, sau này tôi có tóm tắt lại thành 5 bài học", TS Nguyễn Thành Nam nói.
Theo ông, các doanh nhân làm trong lĩnh vực công nghệ bây giờ cần phải nhớ: rất đơn giản, rõ ràng nhưng phải hấp dẫn; tuyệt đối tin tưởng vào nhân dân; lấy thế thắng lực; quan niệm học và hành rất rõ ràng; quyền lực mềm.