Kalibr là một họ tên lửa hành trình trang bị cho Hải quân Nga, bao gồm rất nhiều biến thể từ chống hạm siêu âm - cận âm, tấn công mặt đất cho tới chống ngầm.
Giới chức quân sự Nga tự tin khẳng định tên lửa Kalibr là sản phẩm "độc nhất vô nhị" và "không có đối thủ", ở cả biến thể chống hạm, chống ngầm, hay tấn công mặt đất thì nó đều vượt trội so với mọi đối thủ cạnh tranh.
Tuy vậy mới đây giới truyền thông biết rằng tên lửa hành trình Kalibr của Nga có thể không hiệu quả như những gì mà báo chí cũng như một số chuyên gia quân sự quốc tế vẫn lầm tưởng.
Lý do dẫn đến sự nghi ngờ về tính hiệu quả của loại vũ khí này dựa trên tuyên bố của Cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Đen Hải quân Nga - Đô đốc Vladimir Komoedov.
Theo ông Komoedov, các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr sẽ chỉ có hiệu quả nếu đối phương thiếu vắng trong trang bị hệ thống phòng không đủ mạnh. Nếu không tên lửa "có thể bị bắn hạ một cách dễ dàng và đơn giản".
Trong lời nhận xét của mình, Đô đốc Komoedov cũng lưu ý về tính hiệu quả của vũ khí, theo đó tên lửa Kalibr của Nga hoàn toàn không tốt hơn khi đặt cạnh Tomahawk hoặc Harpoon do Mỹ sản xuất.
Rõ ràng điều này cho thấy sự cần thiết phải hiện đại hóa loại vũ khí trên trong tương lai gần, đặc biệt là trước sự xuất hiện của những hệ thống phòng không hiện đại hơn từ phía các đối thủ tiềm năng của Hải quân Nga.
Tuy nhiên trong những lời bình luận của mình, Đô đốc Komoedov không nói rõ ông đang phàn nàn về phiên bản chống hạm hay tấn công mặt đất của tên lửa Kalibr, điều này đặt ra một số câu hỏi cần giải đáp.
Trước tình hình trên, một vài chuyên gia đã chú ý đến thực tế rằng, trái ngược với tuyên bố của cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, kết quả thực chiến của tên lửa Kalibr cho thấy vũ khí này rất tin cậy.
Trước đó, hạm đội Nga đã nhiều lần thực hiện vụ tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr từ khoảng cách xa vào phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo - IS tại Syria, tuy nhiên hành trình bay của tên lửa khi phóng từ biển Caspian không bị bất kỳ quốc gia nào phát hiện.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có nhận xét cho biết đường bay của tên lửa Kalibr đều đi qua những quốc gia không có hệ thống phòng không mạnh và được bố trí rộng khắp, đúng như những gì Đô đốc Komoedov trình bày, chính vì vậy việc họ không nhận ra Kalibr là rất dễ hiểu.
Trong khi đó Quân đội Mỹ với hệ thống giám sát vệ tinh và mạng lưới radar cảnh giới bố trí dày đặc thậm chí còn đưa ra được số liệu thống kê có bao nhiêu tên lửa Kalibr tới mục tiêu và bao nhiêu quả gặp sự cố kỹ thuật rồi rơi ở dọc đường.
Đó là trường hợp của phiên bản tấn công mặt đất 3M14, còn biến thể chống hạm 3M54 thực chất vẫn chưa trải qua bất kỳ hoạt động thực chiến nào, cho nên tương đối khó khăn để đánh giá hiệu quả của nó.
Không loại trừ khả năng phàn nàn của Đô đốc Komoedov là một lời vận động hành lang, nhằm mục đích xin ngân sách để phát triển những phiên bản cao cấp hơn dành cho tên lửa Kalibr.
Việt Dũng