Cựu tướng Không quân Trung Quốc kêu gọi chuẩn bị cho xung đột với Ấn Độ
Các chiến lược gia quân sự hiếu chiến của Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh cần chuẩn bị kỹ hơn, đề phòng xung đột biên giới với Ấn Độ leo thang.
Bên cạnh căng thẳng với Mỹ, Đài Loan, Hong Kong… Trung Quốc đang vướng vào một điểm nóng căng thẳng đến mức leo thang quân sự tại khu vực biên giới với Ấn Độ. Khả năng xung đột vũ trang giữa 2 cường quốc hạt nhân này không ngừng tăng cao khi các chiến lược gia quân sự hiếu chiến của Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh cần chuẩn bị kỹ hơn, đề phòng xung đột biên giới với Ấn Độ leo thang.
Sẵn sàng đặt quân sự lên trên ngoại giao
Sự thù địch giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang không ngừng kể từ các cuộc đụng độ chết người xảy ra 2 tuần trước tại thung lũng sông Galwan nằm giữa khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát.
Một số sỹ quan cấp cao đã về hưu của quân đội Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh chuẩn bị cho kịch bản xung đột quân sự leo thang như cho phép binh lính ở tiền tuyến tăng cường sức mạnh phản ứng nhanh trong trường hợp lực lượng Ấn Độ có hành động mà họ cho là “xâm phạm” và triển khai vũ khí công nghệ cao không sát thương dọc biên giới.
Ông Kiều Lương, nguyên Thiếu tướng Không quân, Giáo sư tại Đại học Quốc phòng thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết, dù khả năng hai bên xảy ra chiến tranh toàn lực là rất thấp nhưng Trung Quốc cần phải chuẩn bị cho nguy cơ xung đột quân sự leo thang.
“Chúng ta không nên đánh giá quá mức phản ứng của Ấn Độ nhưng cũng không được phép buông lỏng đề phòng”, ông Kiều Lương chia sẻ trong bài viết đăng tải trên tài khoản WeChat.
“Nếu phải bước vào một cuộc chiến, chúng ta phải hành động nhanh, kiềm chế cuộc chiến trong quy mô nhỏ và tầm trung, đủ để gây tổn thương cho địch và giành được sự tôn trọng qua các cuộc chiến nhỏ”, ông Kiều Lương nói và nhấn mạnh thêm rằng, những thắng lợi sẽ giúp Trung Quốc nâng cao thế mạnh với Mỹ và các thế lực ủng hộ độc lập tại Đài Loan.
Cũng có chung quan điểm trên, ông Wang Yunfei, một chuyên gia về hàng hải của Trung Quốc và là sĩ quan Hải quân thuộc PLA về hưu kiến nghị Trung Quốc cấp thêm quyền cho lực lượng ở tiền tuyến, cho phép phản ứng trước các hành vi xâm nhập mà không cần phải xin ý kiến cấp cao hơn.
“Chúng ta nên tăng cường giám sát dọc khu vực biên giới và trong trường hợp quân đội Ấn Độ vượt sang phía bên kia của Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) thuộc Trung Quốc, chúng ta sẽ chống trả ngay lập tức và không chỉ chiến đấu giới hạn trong Đường Kiểm soát mà sẽ mở rộng đến khi nào quân đội Ấn Độ rút lui thì thôi”, ông Wang viết trong một bài viết đăng tải trên tờ báo chuyên về công nghiệp và kỹ thuật quốc phòng Ordnance Industry Science Technology.
Chuyên gia Wang cũng đề nghị binh lính Trung Quốc chuẩn bị cho khả năng xung đột leo thang từ đụng độ trực tiếp lên xung đột quân sự. “Quân đội Ấn Độ nhiều lần xâm phạm biên giới, phá hủy trại của Trung Quốc, đường sá và nhiều cơ sở quân sự khác. Nếu những hành động này tiếp diễn, phía Trung Quốc cần phải sử dụng nhiều biện pháp mạnh để phá hủy thiết bị và cơ sở vật chất của đối thủ”, ông Wang cáo buộc và đề nghị Bắc Kinh hành động.
Cũng theo vị cựu sĩ quan Hải quân Trung Quốc, nếu tình hình tiếp tục leo thang, bất chấp các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự tuần vừa qua, Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị cho khả năng ưu tiên lựa chọn quân sự trên ngoại giao.
“Chiến tranh hay không là do Trung Quốc”
Về phía Ấn Độ, một số tờ báo của nước này cho biết, quân đội nước này đã cấp quyền cho các quân khu trưởng được phép sử dụng vũ khí cầm tay trong những trường hợp bất thường dọc LAC và Chính phủ Ấn Độ tăng cường chi tiêu vào vũ khí đạn dược dùng trong trường hợp khẩn cấp để củng cố các lực lượng vũ trang.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc đã tăng cường lượng lớn vũ khí, binh lính dọc LAC, vi phạm thỏa thuận song phương. Theo Bộ này, chính vì động thái tăng cường quân sự của Trung Quốc nên Ấn Độ phải “triển khai các biện pháp chống trả”.
Mới đây, hãng tin Reuters dẫn lời ông Nathan Ruser, một chuyên gia dữ liệu vệ tinh tại Viện Chính sách chiến lược Australia cho biết, dù Ấn Độ và Trung Quốc đã thống nhất giảm căng thẳng nhưng số lượng các công trình/lều trại và phương tiện được cho là của Trung Quốc trong phạm vi 1km của Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) đã tăng từ 3 lên 46 (tức tăng 1.500%) trong tháng qua. Cùng khoảng thời gian này, số lượng công trình của Ấn Độ đã giảm từ 84 xuống còn 17, tức giảm 80%.
Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vikram Misri cho biết, việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với thung lũng Galwan ở Ladakh là hoàn toàn không thể chấp nhận được và phía Trung Quốc nên có trách nhiệm giảm căng thẳng và hạ nhiệt tại khu vực này.
Trao đổi với tờ Press Trust of India, Đại sứ Misri nói thêm, toàn bộ trách nhiệm lựa chọn quan điểm về quan hệ Trung-Ấn và quyết định hướng quan hệ nằm giữa hai bên đều thuộc về Trung Quốc.