Cựu tuyển thủ Kim Chi và quyết tâm làm bóng đá cộng đồng

Giữa hàng loạt trung tâm bóng đá cộng đồng hiện nay, không khó để bắt gặp người đứng đầu mỗi Trung tâm hay Câu lạc bộ là các đấng 'mày râu'. Người ta cho rằng ở mảnh đất đầy 'màu mỡ' cho phái mạnh này khó để những cô gái dựng đất diễn. Ấy vậy, trong cái gian khổ ấy lại mọc lên một vị 'nữ tướng' luôn giữ ngọn lửa rực cháy để thắp sáng lên ước mơ chơi bóng của nhiều cầu thủ nhí.

Cô trò của "lò" Kim Chi mừng sau sau một trận thắng. Ảnh: Anh Trần

Cô trò của "lò" Kim Chi mừng sau sau một trận thắng. Ảnh: Anh Trần

Khá bất ngờ về con đường dẫn vào Trung tâm Bóng đá cộng đồng Kim Chi, nơi vốn được anh em trong nghề quần đùi áo số thường mở miệng để khen về một “nữ tướng” chuyên đi làm việc gõ đầu trẻ số 1 Bình Dương. Con đường quá nhỏ và giữa tiết trời Bình Dương đổ mưa xối xả, chúng tôi chỉ dám chạy xe chầm chậm băng qua bùn lầy với hàng nghìn cây cao su bao quanh, miệng liên tục hỏi đường để có thể tìm đoạn ngắn nhất đưa tôi đến với vị “nữ tướng” được tiếng lành đồn xa ấy.

Là “dân” điền kinh, yêu bóng đá và từng theo đuổi nghề trọng tài

Cuối cùng, vị “nữ tướng” ấy đã xuất hiện với bộ đồ thể thao, kèm theo giọng đặc khàn mở đầu đoạn giới thiệu về mình bằng những dòng trích ngang đúng hệt như bản CV xin việc: “Tôi là Kim Chi, từng thi đấu tại CLB nữ TPHCM, từng được lên tuyển Quốc gia và rất mê làm trọng tài”. Dứt câu chưa xong, vị nữ tướng mang họ Nguyễn này sợ tôi bị nhầm lẫn nên nhanh miệng phân biệt giữa cô và Đoàn Thị Kim Chi, người đồng đội cũ nay là HLV đội nữ TPHCM.

Các cầu thủ nhí trong một chuyến đi tham dự giải nhi đồng

Các cầu thủ nhí trong một chuyến đi tham dự giải nhi đồng

Gạn hỏi thêm mới biết xuất phát điểm của người phụ nữ này là VĐV điền kinh Quốc gia ở độ tuổi 14. Nhưng sự nghiệp thăng trầm của cô lại quanh quẩn với trái bóng khi có bằng môn thể thao vua của Đại học TDTT TPHCM, đính kèm 4 năm thi đấu cho đội nữ thành phố và có 3 năm kinh nghiệm làm trọng tài Quốc gia.

Khi tôi hỏi cái tiếng lành đồn xa ấy, Kim Chi chỉ biết cười và ngượng ngạo từ chối. Cô giải thích rằng có lẽ vì hay đi giao lưu, chăm chỉ học hỏi thêm kinh nghiệm ở các “lò” bóng đá cộng đồng khác nên được mọi người quý mến.

“Tốt nghiệp Trường Đại học TDTT năm 2001 cô về làm ở Trường Đại học Bình Dương, sau 6 năm gắn bó ở Trường là giáo viên thể thao và làm các phong trào sinh viên. Kết thúc công tác ở Trường Đại học Bình Dương cô tiếp tục tìm đến các công tác khác để được gắn bó với ngành thể thao trong tỉnh. Đã biết trong tôi vẫn nung nấu ngọn lửa của tình yêu bóng đá, loay hoay mất thêm 3 năm nữa. Thời gian tôi lớn dần, biết thế nào là sống trách nhiệm, muốn làm 1 điều gì đó để tiếp tục cống hiến khả năng của mình cho ngành cho xã hội”, Kim Chi nói.

“Nếu không tính cho ngày mai, thì mình không có được ngày hôm nay”. Tôi luôn tự nhủ bản thân rằng hãy lấy đam mê, lòng nhiệt huyết của mình để giúp các em nhỏ, đặc biệt là những trẻ béo phì, tự kỷ. Mà ở thời điểm tôi mở bóng đá cộng đồng, tính riêng TP Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương là nơi có tỉ lệ trẻ béo phì cao thứ nhì so với TPHCM trong cả nước ”, Chi chia sẻ.

Phòng truyền thống của Trung tâm

Phòng truyền thống của Trung tâm

Xuất phát từ cái tâm và làm việc bằng cái tầm, không biết từ bao giờ độ uy tín của “lò” Kim Chi lan rộng khắp các miền Nam và thậm chí còn vượt ra biên giới. Kim Chi hớn hể kể về năm 2014, “lò” của cô được tham dự giải U10 toàn quốc tại Đà Nẵng, (Kết quả được lọt vào vòng Chung kết tại Giải bóng đá thiếu nhi toàn quốc). Không chỉ giao lưu với các đội trong nước, mà cô trò còn được thi đấu ở nước ngoài. Đến hiện tại, số lượng học viên của Kim Chi rơi vào tầm 300 và trải rộng khắp 3 cơ sở. (Bình Dương 2 cơ sở và Quận Tân Phú THCM 1 cơ sở).

Đâu chỉ nam giới mới có thể làm bóng đá cộng đồng

Vị “nữ tướng” này thừa nhận bản thân may mắn luôn có các đồng nghiệp đồng hành. Mặc dù có các HLV trực tiếp nhưng cô vẫn luôn túc trực theo dõi và ghi chú, lập trình lại hệ thống giáo trình nhằm nâng cao chất lượng của buổi tập và xa hơn là đưa Trung tâm ngày càng phát triển.

Đến đây, Kim Chi tự hào nói về ê-kíp phụ của mình: “Các thầy, cô ở đây thường là tốt nghiệp trường Đại học TDTT hay từng là danh thủ nổi tiếng từng thi đấu lừng danh nhưng về đây, các thầy còn phải được đào tạo thêm, chính tôi là cũng là người truyền lửa, tiếp lửa cho các đồng nghiệp. Bởi hiểu tâm lý trẻ con không dễ. Thầy cô phải có trình độ sư phạm nhất định và phải tâm huyết để cùng nhau khơi dậy ngọn lửa - ngọn lửa của ước mơ”.

Xin thay đoạn kết bằng lời kết lúc Kim Chi nói lời tạm biệt chúng tôi rằng: “Hoài bão và mơ ước lớn nhất của tôi là làm sao thu hút được nhiều trẻ đến với sân chơi này. Càng lớn tôi càng sợ không còn đủ sức để thắp lên ngọn lửa ước mơ được sáng... Tôi luôn có hoài niệm rằng làm sao để giúp cho các em có môi trường rèn luyện ngày càng tốt hơn và mong muốn nơi đây là nơi đánh thức giấc mơ thành hiện thực. Đó cũng chính là niềm tự hào của các bật phụ huynh khi đến với sân lành mạnh, tránh xa các tệ nạn, và không chỉ nâng cao về mặt thể chất, mà còn dạy và truyền đạt kỹ năng sống đến với những cầu thủ nhí”.

HỮU THÀNH

Nguồn SGGP: http://thethao.sggp.org.vn/cuu-tuyen-thu-kim-chi-va-quyet-tam-lam-bong-da-cong-dong-596903.html