D'ran: Phát triển bền vững bằng xen canh
Để khai thác hiệu quả diện tích đất sản xuất, nâng cao thu nhập, tái tạo môi trường sinh thái thích hợp cho cây cà phê, nhiều hộ nông dân ở thị trấn D'Ran đã chọn giải pháp trồng xen các loại cây ăn quả, cây rừng vào vườn cà phê. Cách làm này thực sự đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho bà con nông dân.
Được sự giới thiệu của Hội Nông dân thị trấn D’Ran, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Quý (thôn Phú Thuận 2) - người được biết đến là một nông dân “mát tay” khi trồng đa dạng các loại cây trên diện tích 2,5 ha mà cây nào cũng trĩu quả.
Đưa chúng tôi đi thăm triền đồi xanh mướt cây trồng, ông Quý cho biết, để có được hiệu quả như bây giờ, bản thân ông cũng trải qua rất nhiều khó khăn. Trước đây, khu đồi này chỉ trồng chuyên canh cây cà phê, mỗi năm chỉ thu một vụ, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 30 - 35 triệu đồng/ha. Hằng năm, gia đình phải tiêu tốn một lượng nước tưới, bón phân rất lớn nhưng cây cà phê dù chăm sóc tốt vẫn kém phát triển, đất đai bị thoái hóa… Trước thực tế đó, ông bắt đầu nghiên cứu trồng thử nghiệm xen canh nhiều loại cây trồng như: hồng, xoài, ca cao, quýt đường. Đến nay, trên mỗi ha như thế, gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng.
“Mỗi năm, cứ đến tầm từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch là tôi bước vào vụ thu hoạch xoài, sản lượng hơn chục tấn, với giá bán hơn 25.000 đ/kg tại vườn. Còn từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch thì tôi thu hoạch cây hồng, sản lượng hơn 10 tấn, giá bán từ 13.000 - 15.000 đ/kg. Sau đó thì đến vụ cà phê với khoảng hơn 20 tấn tươi thu nhập khoảng 150 triệu đồng, chưa kể các loại cây trồng xen khác như quýt, ca cao cũng cho thu nhập thêm gần 150 triệu đồng nữa”, ông Quý tiếp lời.
Theo ông Quý, để xen canh có hiệu quả thì phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu cắt tỉa cành, phân chia ánh sáng hợp lý cho tất cả các loại cây. Cà phê là cây thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình, vì vậy, khi trồng xen hồng, xoài với tỷ lệ phù hợp sẽ không khó trong việc điều chỉnh ánh sáng hài hòa cho cả 3 loại cây. Trong đó, cây hồng và xoài sẽ giúp chắn gió và che bóng cho cà phê, còn riêng cây ca cao thì loại cây ưa bóng, rất thích hợp cho việc trồng xen. Phía dưới gốc cây, ông Quý còn trồng thêm cây lạc dại che phủ mặt đất, việc này giúp giảm tình trạng xói mòn, hạn chế được lượng nước tưới, chống được khô hạn vào mùa khô.
Theo đánh giá của Hội Nông dân thị trấn D’Ran, thực tế cho thấy vùng đất dốc như tại thị trấn D’Ran, nếu chỉ trồng thuần cà phê thì mỗi vụ cây trồng luôn đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới, còn trồng xen các loại cây ăn quả, cây rừng thì lượng nước tưới giảm rõ rệt.
Với “vòng tuần hoàn” các loại cây trồng được áp dụng như nông dân Nguyễn Quý đã tận dụng đất đai triệt để, mang lại thu nhập cao hơn 5 - 7 lần so với độc canh.
“Hiện nay, giá các loại cây ăn trái khá cao nên thu nhập ổn định. Và điều quan trọng nhất là việc trồng xen này giúp gia đình tránh những rủi ro về giá cả, năng suất khi độc canh cà phê”, ông Quý cho hay.
Ông Đặng Trung, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn D’Ran cho biết: Từ 1, 2 hộ trong thị trấn tiến hành trồng xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay hầu hết các hộ dân có diện tích trồng cà phê trên đất đồi đều áp dụng trồng xen canh để tăng thời vụ cây trồng. Cách làm này, nông dân không mất quá nhiều công chăm sóc nhưng nâng cao rõ rệt giá trị sản xuất, tăng tối đa hiệu quả trên cùng đơn vị canh tác. Nhiều chuyên gia nước ngoài đến tham quan và cũng đánh giá rất cao hình thức xen canh của những người nông dân tại đây.
Đây là hướng đi tất yếu, giúp nông dân khắc phục những khó khăn và nhược điểm của đất dốc, ngoài biện pháp bón phân cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Mô hình xen canh này dễ làm, thích hợp với các nông hộ và thân thiện với môi trường, tăng tần số sử dụng đất, giảm tình trạng “nông sản rớt giá, nông dân mất trắng”.
“Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có nhiều hình thức xen canh đã được người dân sử dụng như xen canh cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, hoặc xen canh lạc... Nếu tiến hành xen canh, luân canh đúng kỹ thuật thì không chỉ làm đất tơi xốp và màu mỡ, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị canh tác, mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của người dân”, ông Trung cho biết thêm.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201911/dran-phat-trien-ben-vung-bang-xen-canh-2975851/