Đã bồi thường 48,4% vụ việc theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực ngày 1/7/2018 đến ngày 31/12/2021, các cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý 124 vụ việc theo quy định. Theo đó, đã giải quyết xong 60/124 vụ việc, với số tiền Nhà nước phải bồi thường là 28,8 tỷ đồng và 102,5 chỉ vàng, còn lại 64 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

Cục Bồi thường nhà nước đánh giá, công tác bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên cả nước chưa cao, năm 2019 tỷ lệ giải quyết xong chiếm 31,7%; năm 2020 tỷ lệ giải quyết xong chiếm 40%; năm 2021 tỷ lệ giải quyết xong chiếm 22,6%. Số vụ việc thương lượng không thành tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ, dẫn đến người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường chiếm tỷ lệ cao, trong đó năm 2021 chiếm tỷ lệ trên 46%.

Quang cảnh đại biểu dự Tọa đàm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và tổ chức thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 được Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Quang cảnh đại biểu dự Tọa đàm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và tổ chức thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 được Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Tại buổi tọa đàm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cà Mau đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Qua đó, đề xuất, kiến nghị những giải pháp để công tác thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Thái Phương - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Đồng chí Lê Thái Phương - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Thái Phương cho biết qua những nội dung được chia sẻ trong buổi tọa đàm sẽ giúp cơ quan chức năng đánh giá, nghiên cứu hoàn thành thể chế pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian tới, Cục Bồi thường nhà nước đề nghị tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân tỉnh tăng cường phối hợp trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường của Nhà nước, trong đó chú trọng giải quyết các vụ án tồn đọng, kéo dài.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/da-boi-thuong-48-4-vu-viec-theo-luat-trach-nhiem-boi-thuong-cua-nha-nuoc-66782.html