Đá Carnac: Bí ẩn hàng ngàn năm tuổi của nước Pháp
Những tảng đá Carnac là di tích cự thạch nằm ở tây bắc nước Pháp cạnh Vịnh Morbihan ở quận Carnac, Brittany. Chúng có niên đại từ thời kỳ đồ đá mới, với số lượng lên tới hơn 3.000 tảng đá, đây thực sự là nơi tập trung nhiều đá đẽo thủ công thời tiền sử nhất trên thế giới.
Những người cổ đại đã dựng lên những tảng đá trong hàng ngàn năm. Những khối đá lâu đời nhất có thể có niên đại từ 4500 năm TCN.
Những người định cư ban đầu dường như đã tạo ra nhiều địa điểm bằng đá khác nhau cho các chức năng khác nhau. Có lẽ chúng là nơi chôn cất hoặc nơi tập trung tôn giáo. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu cho rằng một số tảng đá nhất định tại địa điểm này có vị trí thẳng hàng với mặt trời mọc vào ngày hạ chí và có một số chức năng tương tự như lịch thiên văn.
Cự thạch được phân bố rộng rãi trên khắp châu Âu, châu Phi và châu Á. Nhưng nhiều nhất là ở Tây Âu, đặc biệt là ở Ireland, Vương quốc Anh và Pháp. Có khoảng 50.000 cự thạch, trong đó, những viên đá gần Carnac được coi là một trong những nơi kỳ dị nhất. Một số viên đá có hoa văn và một số viên đá nằm rải rác ngẫu nhiên trên khắp khu vực này. Không giống như Stonehenge, những viên đá Carnac có nguồn gốc từ các khu vực địa phương xung quanh địa điểm này.
Rõ ràng, con người trong quá khứ đã không thiết lập đá Carnac cho cùng một mục đích. Địa điểm này có những vòng tròn bằng đá, những hàng đá được xếp thẳng hàng một cách hoàn hảo và thậm chí có cả những lăng mộ với mái được làm hoàn toàn bằng những khối đá lớn.
Do đó, việc xác định niên đại chính xác khi những phiến đá Carnac được dựng lên là một điều vô cùng khó khăn. Những người định cư ban đầu đã dựng lên những khối đá này trong khoảng từ 5000 đến 3000 năm trước Công nguyên.
Năm 1834, Francis Ronalds, một nhà khoa học và nhà phát minh người Anh được mệnh danh là "cha đẻ của điện báo", và bạn của ông, tiến sĩ Alexander Blair, đã tới Brittany để nghiên cứu đá Carnac. Sử dụng công cụ theo dõi phối cảnh đã được cấp bằng sáng chế của Ronalds, họ đã có thể tạo ra những bản vẽ chính xác đầu tiên về những viên đá "với độ chính xác gần như chụp ảnh", sau đó được xuất bản trong cuốn sách của họ: "Bản phác thảo tại Carnac (Brittany)" vào năm 1834.
Theo truyền thuyết địa phương, một quân đoàn La Mã đang hành quân thì phù thủy Merlin biến những người lính thành đá, đó là lý do tại sao những viên đá lại thẳng như vậy.
Có nhiều giả thuyết cố gắng giải thích nguồn gốc của sự sắp xếp đặc biệt này, bao gồm cả việc chúng là di tích tôn giáo, liên quan đến việc thờ cúng Mặt Trăng hoặc Mặt Trời, hay lịch nông nghiệp.
Nhưng có một sự thật rõ ràng là không phải tất cả người dân địa phương đều tỏ ra tôn trọng địa điểm này. Mọi người đã di chuyển nhiều khối đá từ vị trí ban đầu đến một nơi khác và sử dụng chúng làm vật liệu xây dựng cho những ngôi nhà gần đó và các tòa nhà khác. Ngoài ra, nhiều nông dân đã di chuyển những tảng đá đến vị trí khác để giữ cho các nhà khảo cổ tránh xa trang trại của họ.
Tuy nhiên, cũng như các di tích cự thạch khác, không phải ai cũng đồng ý về chức năng ban đầu của những tảng đá khổng lồ này. Cho tới tận thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể giải đáp được bí ẩn về những viên đá Carnac.
Truyền thuyết kể rằng, Merlin là một pháp sư và nhà tiên tri vĩ đại. Ông cũng là người phục vụ cho vua Arthur huyền thoại của nước Anh - người có công chống lại người Saxon và cứu người Anh trong cơn hỗn loạn.
Năm đó khi đế chế La Mã còn hùng mạnh, hành quân khắp châu Âu và quyết chiếm giữ từng vương quốc. Merlin phát hiện một đoàn quân La Mã với khoảng 3.000 người đang dần tiến về phía eo biển Manche, ngăn cách Anh và Pháp.
Nhận ra sự nguy hiểm, trong khi đoàn lính đang hành quân theo những hàng thẳng đều tăm tắp, pháp sư liền phù phép biến họ thành những tảng đá. Trong thoáng chốc, 3.000 binh lính La Mã bỗng biến thành 3.000 cột đá im lìm trên khoảng đất trống. Người ta còn truyền tai nhau rằng, pháp sư Merlin cũng tham gia nhiều trận chiến khiến quân La Mã bại trận, còn đế chế La Mã bị sụp đổ.
Nguồn: Earthlymission; Nature; NASA