Đá cầu: Hành trình chinh phục đỉnh cao thế giới

PTĐT - Không chỉ dựa vào nền tảng thể lực, tố chất thiên khiếu, để 'gọt giũa', đào tạo một vận động viên (VĐV) từ khi còn là đứa trẻ đến độ chín cả về trí và lực, bản lĩnh và đạo đức, đủ điều kiện đại diện cho màu cờ sắc áo quốc gia, 'chiến đấu' và mang vinh quang ...

Tuyển thủ đá cầu Trần Anh Quân (bên trái) và Bùi Mạnh Cường cùng chiếc Cup vô địch đá cầu thế giới năm 2019.

Tuyển thủ đá cầu Trần Anh Quân (bên trái) và Bùi Mạnh Cường cùng chiếc Cup vô địch đá cầu thế giới năm 2019.

PTĐT - Không chỉ dựa vào nền tảng thể lực, tố chất thiên khiếu, để “gọt giũa”, đào tạo một vận động viên (VĐV) từ khi còn là đứa trẻ đến độ chín cả về trí và lực, bản lĩnh và đạo đức, đủ điều kiện đại diện cho màu cờ sắc áo quốc gia, “chiến đấu” và mang vinh quang về cho Tổ quốc là cả chặng đường vô cùng gian nan. Vượt hành trình dài hàng chục năm với tầm nhìn, sự đầu tư, nhiệt huyết và nỗ lực không biết mệt mỏi, các VĐV đá cầu Phú Thọ đã chinh phục được vị trí cao nhất - giải Vô địch đá cầu thế giới.

Đội tuyển đá cầu tỉnh được thành lập từ năm 2006 để phục vụ cho giải thi đấu Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VII năm 2008, khi Phú Thọ là chủ nhà. Dù mới thành lập nhưng ngay khi “xuất quân” lần đầu, đá cầu Phú Thọ đã vượt qua Bắc Giang, giành vị trí số 1 khu vực phía Bắc và giành Huy chương Bạc nội dung 3 nữ toàn quốc. Nhận thấy những tiềm năng của bộ môn thể thao này, tỉnh đã quyết định giữ đội để tiến hành huấn luyện, thi đấu lâu dài. Thời điểm đó, đội có 30 VĐV, chia theo độ tuổi cấp 1, 2 và 3. Sau Hội khỏe Phù Đổng năm 2008, lứa cầu thủ ở độ tuổi cấp 1, 2 được giữ lại đào tạo và trở thành những VĐV thi đấu đỉnh cao, trong đó có cả 2 VĐV vô địch thế giới vừa qua.

Đội tuyển đá cầu Việt Nam trong niềm vui chiến thắng.

Đội tuyển đá cầu Việt Nam trong niềm vui chiến thắng.

Theo sát và trực tiếp huấn luyện đội tuyển đá cầu từ những ngày đầu thành lập, bà Ngô Thị Huyền Thanh- Huấn luyện viên trưởng bộ môn Đá cầu cho biết: “Các VĐV Phú Thọ có tố chất, thể lực tốt, đặc biệt là niềm đam mê, nghị lực, tinh thần vượt khó để bám trụ và khao khát vươn tới đỉnh cao. Bởi thế, dù việc tập trung tại tuyển gặp rất nhiều khó khăn nhưng các VĐV luôn cố gắng. Đá cầu là môn thể thao có nhiều hình thức, nội dung thi đấu. Nói cách khác, nó vừa là môn thể thao cá nhân, vừa mang tính đồng đội cao.Đá cầu là môn thể thao chơi hoàn toàn bằng chân, bởi vậy độ khó tăng lên rất nhiều so với các môn khác. Trong chương trình giáo dục thể chất tại các trường học phổ thông, môn đá cầu không hề xa lạ, đó cũng có thể là trò chơi rất gần gũi đối với mỗi học sinh trong giờ giải lao. Về kỹ thuật, trò chơi này hiểu đơn giản là sử dụng các điểm chạm trên cơ thể, không để cầu rơi xuống đất… Tuy nhiên, ở góc độ thể thao, khoan nói về kỹ thuật, chiến thuật trong tấn công, phòng thủ… thì đá cầu chỉ sử dụng mu bàn chân và đùi. Có nhiều VĐV năng khiếu sau khi được tuyển chọn mất đến 2 năm trời ròng rã chỉ luyện tập một kỹ thuật duy nhất: Tâng cầu. Thực sự, nếu không có quyết tâm cao độ thì các VĐV năng khiếu không thể nào vượt qua sự “nhàm chán” với bài tập ấy. Thể thao thành tích cao đương nhiên không thể không nói đến sự khổ luyện, mỗi môn thể thao lại có những cách luyện tập khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là thể lực và ý chí vượt khó. HLV Ngô Thị Huyền Thanh cho biết thêm: “Khi VĐV đạt trình độ nhất định, sẽ vô cùng khó khăn để cải thiện thành tích, bởi mặt bằng chung của môn đá cầu toàn quốc rất cao, trình độ chuyên môn tốt, cùng với những điều kiện hỗ trợ cơ bản hơn chúng ta nhiều thì bắt buộc VĐV của chúng ta phải có ý chí và quyết tâm cực kỳ cao độ”. Sau quá trình đào tạo, huấn luyện, năm 2014, các VĐV đá cầu Phú Thọ “áp sát” những thành tích cao khi vượt qua các tỉnh mạnh như Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh… để giành 3 Huy chương Vàng giải trẻ toàn quốc. Cùng năm đó, tại Đại hội TDTT toàn quốc, các VĐV dù trẻ tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm nhưng đã giành được tấm Huy Chương Đồng nội dung 3 nam… Từ những tín hiệu vui, những VĐV có tố chất qua sự huấn luyện bài bản, công phu mở ra cho đá cầu Phú Thọ tiếp tục chinh phục những sàn đấu lớn hơn, đỉnh cao hơn nữa. Năm 2016, đá cầu Phú Thọ lần đầu tiên đạt danh hiệu Nhất toàn đoàn với 3 Huy chương Vàng giải Vô địch đá cầu toàn quốc. Năm 2017, có 1 VĐV đá cầu Phú Thọ tham dự giải Vô địch thế giới tại Hồng - Kông (Trung Quốc). Đó là những bước đệm quan trọng, đưa những VĐV tỉnh nhà, bản lĩnh và tự tin cùng màu cờ, sắc áo quốc gia bước ra thế giới, làm nên “kỳ tích” với tấm Huy chương Vàng giải Vô địch đá cầu thế giới tổ chức tại Pháp năm 2019.

“Khiêu vũ với cầu”.

“Khiêu vũ với cầu”.

Cách đây hơn chục ngày, 2 tuyển thủ đá cầu Trần Anh Quân và Bùi Mạnh Cường còn đang ở nước Pháp, “chiến đấu” hết mình với khát khao chinh phục đỉnh cao. Ngay khi mang vinh quang trở về, họ lại tập trung cùng đội tuyển tham gia luyện tập cho những chặng đường sắp tới. Trần Anh Quân sinh ra lớn lên trong gia đình thuần nông ở thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, bố mẹ vất vả, với mong muốn con cái có những điều kiện phát triển tốt hơn nên đã nhất trí để Quân tham gia đội tuyển từ khi là học sinh lớp 4. Sống xa nhà và bản tính hiếu động, sự nghịch ngợm, mải chơi, những lần bỏ học đi chơi điện tử… không thiếu những lần “cậu nhóc” phải chịu những hình phạt nặng. Thế rồi nhanh chóng trưởng thành trong môi trường đào tạo thể thao khắc nghiệt, mang theo cả mơ ước của bố mẹ trên đôi vai thanh xuân, những năm tháng khổ luyện miệt mài cùng ý chí, sự tập trung cao độ và quyết tâm vươn tới đỉnh cao đã đưa “cậu bé” ngày nào trở thành nhà vô địch thế giới. Chàng sinh viên năm thứ 2 trường Đại học TDTT Trần Anh Quân thi đấu ở vị trí tấn công, nội dung 3 nam; là người quyết định giành điểm về cho đội của mình nhưng đây mới là lần đầu tiên Quân góp mặt tại giải vô địch thế giới. Tuyển thủ 22 tuổi chia sẻ: “Khi thi đấu em rất áp lực bởi chưa có nhiều kinh nghiệm, tuy thế, em đã cố gắng tuân thủ kỹ thuật, chiến thuật, giữ ổn định tâm lý thi đấu, bản lĩnh cùng đồng đội giành chiến thắng. Trong thời gian tiếp theo, em muốn tiếp tục chinh phục tại nhiều giải, có thêm nhiều thành tích, huy chương và sau này, em muốn được truyền lại sự nhiệt huyết, đam mê của mình cho các bạn VĐV lứa sau…”.Người đồng đội cùng Quân sát cánh kề vai từ ngày chập chững lên tuyển cho tới ngày cùng nhau “tả xung hữu đột” trong nhiều trận thi đấu tại các giải lớn nhỏ là tuyển thủ Bùi Mạnh Cường (xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao). Ngày còn nhỏ, Cường thích đá cầu và hay đá cầu ở trường trong những giờ ra chơi, được tuyển vào đội khi mới 12 tuổi. Do còn ít tuổi, xa nhà, việc tập luyện vô cùng khó khăn, Cường thường xuyên gặp chấn thương, đặc biệt là ở chân bởi thực hiện chưa đúng kỹ thuật. Thi đấu vị trí phòng thủ ở nội dung 3 nam, nhiệm vụ chủ yếu là phát cầu và chắn cầu, nhà vô địch đá cầu thế giới chia sẻ: “Giành được danh hiệu cao quý ấy, bản thân em và toàn đội rất hạnh phúc và tự hào. Để luyện tập và đá cầu thì không khó, nhưng nếu muốn tham gia thành thích cao thì việc luyện tập cần phải chăm chỉ, tuân thủ kỹ thuật, chiến thuật của HLV và nên tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…”.Thành tích của các VĐV, của đội tuyển đá cầu thể hiện tầm nhìn, sự quan tâm, đầu tư đúng hướng của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, đá cầu không có lớp cơ sở khiến việc tuyển chọn VĐV giống như “mò kim đáy bể”, đa số các VĐV năng khiếu chưa biết về đá cầu, nhiều em sau khi được chọn xuống trung tâm một thời gian ngắn rồi lại phải trả về vì không theo được chương trình. Hơn nữa, chúng ta chưa có hệ thống giải thường niên trong khi đá cầu là môn quen thuộc trong chương trình giáo dục thể chất. Thiết nghĩ trong thời gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, trường học… giúp phát hiện các nhân tố thể thao, đóng góp cho thể thao thành tích cao, đưa thể thao Phú Thọ nâng cao thứ hạng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Hoàng Giang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/the-thao/201909/da-cau-hanh-trinh-chinh-phuc-dinh-cao-the-gioi-166597