Đã chuyển 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ tới các cơ quan nước ngoài

Liên quan tới quá trình xây dựng dự thảo Luật Dẫn độ, Bộ Công an đã có hồ sơ thẩm định gửi Bộ Tư pháp. Trong đó, Bộ Công an đã thông tin về kết quả thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong hoạt động dẫn độ (giai đoạn 2008 - 2024).

Theo Bộ Công an, tính tới tháng 10-2024, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 43 yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến (gồm 29 yêu cầu dẫn độ theo các hiệp định song phương về dẫn độ; 14 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại). Tới nay, đã thực hiện dẫn độ cho phía nước ngoài 21 đối tượng, từ chối 7 yêu cầu dẫn độ vì lý do: vào thời điểm nhận được yêu cầu, người bị yêu cầu dẫn độ đã bỏ trốn hoặc không có mặt trên địa bàn lãnh thổ Việt Nam.

Trong khi đó, về yêu cầu dẫn độ của Việt Nam, tính tới tháng 10-2024, công an các đơn vị, địa phương đã đề nghị hướng dẫn việc lập yêu cầu dẫn độ đối với 128 đối tượng truy nã bỏ trốn ra nước ngoài.

Cụ thể: đã lập và chuyển 98 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (gồm 70 yêu cầu dẫn độ theo các hiệp định song phương về dẫn độ; 28 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại), trong đó đã dẫn độ được 16 đối tượng về Việt Nam; phía nước ngoài từ chối dẫn độ đối với 18 đối tượng. Bộ Công an đang tích cực đôn đốc phía nước ngoài xem xét, giải quyết các yêu cầu dẫn độ còn lại.

 Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy nã quốc tế từ tháng 5-2022

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy nã quốc tế từ tháng 5-2022

Tính đến tháng 10-2024, Việt Nam là thành viên của 22 điều ước quốc tế đa phương, 10 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 18 hiệp định song phương về dẫn độ.

Theo Bộ Công an, việc tăng cường ký kết và áp dụng các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ là yêu cầu tất yếu nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác này. Trên thực tế, các điều ước quốc tế nói chung và các hiệp định về dẫn độ nói riêng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề không tương thích về pháp luật giữa các quốc gia, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia có thể căn cứ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ hợp tác trong hoạt động dẫn độ.

Vì vậy, Bộ Công an cho rằng, tăng cường ký kết và áp dụng các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ đã, đang và sẽ là yêu cầu tất yếu nhằm củng cố cơ sở pháp lý hợp tác cho hoạt động này. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng cho rằng, cần hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật trong nước liên quan đến công tác dẫn độ nhằm phù hợp với các công ước quốc tế, điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.

Hiện nay, điều 493 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định: Bộ Công an là cơ quan Trung ương của nước CHXHCN Việt Nam trong hoạt động dẫn độ. Để thực hiện quy định này, Bộ Công an giao Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an là cơ quan thường trực thực hiện hoạt động dẫn độ. Đối với công an các đơn vị, địa phương, các cán bộ thực hiện nhiệm vụ liên quan đến dẫn độ hiện nay chủ yếu theo chế độ kiêm nhiệm, xử lý theo vụ việc cụ thể và phân công của lãnh đạo.

Bộ Công an cũng có kênh liên lạc thường xuyên với cơ quan trung ương về dẫn độ của các nước như Tổng viện kiểm sát Liên bang Nga, Văn phòng Tổng chưởng lý Liên bang Australia, Bộ Tư pháp Cộng hòa Séc, Bộ Tư pháp Nhật Bản... qua đó, đã thúc đẩy nhanh chóng việc giải quyết các yêu cầu dẫn độ giữa Việt Nam và các quốc gia.

Đến nay, sau 15 năm triển khai thực hiện các quy định của Luật Tương trợ tư pháp về dẫn độ, Bộ Công an với chức năng là Cơ quan Trung ương về công tác dẫn độ đã thực hiện tốt các quy định của Luật Tương trợ tư pháp, bảo đảm các yêu cầu về đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam với các quốc gia đối tác; đồng thời, bộ máy thực hiện dẫn độ đã được xây dựng và kiện toàn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, Bộ Công an đã có Tờ trình về Dự án Luật Dẫn độ. Theo Bộ Công an, mục đích của việc xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực thi các cam kết của Việt Nam tại các điều ước quốc tế về dẫn độ; góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia, góp phần bảo vệ an ninh trật tự quốc gia, hòa bình và an ninh quốc tế.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/da-chuyen-98-ho-so-yeu-cau-dan-do-toi-cac-co-quan-nuoc-ngoai-post769967.html