Đã có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Tây Ninh

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, cũng như nỗ lực mời gọi thu hút đầu tư vào địa bàn.

Theo đó, tính đến ngày 15/8/2024, tỉnh đã thu hút 337 dự án đầu tư; trong đó có 273 dự án FDI, với số vốn trên 8,7 triệu USD và 64 dự án trong nước với 12.264 tỷ đồng.

Tỉnh Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài gần 240km, có 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở; là cầu nối trên trục xuyên Á giữa TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài.

Dự án chăn nuôi được Tập đoàn De Heus (Hà Lan) phối hợp với Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư xây dựng tại tỉnh Tây Ninh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao

Dự án chăn nuôi được Tập đoàn De Heus (Hà Lan) phối hợp với Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư xây dựng tại tỉnh Tây Ninh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao

Đến nay, đã có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là động lực cho sự phát triển, mở ra không gian phát triển mới, toàn diện trên các lĩnh vực. Tỉnh Tây Ninh cũng đang phối hợp với TP. Hồ Chí Minh trong việc triển khai dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng và dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội cũng như có thể đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại của Vùng Đông Nam Bộ.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, tỉnh đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động. Khai thác mạnh mẽ, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và cả nước. Tỉnh Tây Ninh cũng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã gặp gỡ các cơ quan lãnh sự, hiệp hội doanh nghiệp của 15 quốc gia nhằm quảng bá du lịch, kêu gọi và thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Đánh giá cao nổ lực của tỉnh Tây Ninh, ông Enrico Padula - Tổng Lãnh sự Italy tại TP. Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn công tác của các cơ quan lãnh sự, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong năm 2024 tỉnh Tây Ninh đã thu hút 2,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đây là lĩnh vực tiềm năng mà các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm. Đồng thời, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Tây Ninh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam cùng phát triển, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

"Tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực với các cơ quan lãnh sự và các nhà đầu tư quốc tế trong các hoạt động thương mại, đầu tư, văn hóa, y tế, giáo dục… tạo mối quan hệ bền chặt để cùng nhau phát triển”, ông Thanh khẳng định.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/da-co-21-quoc-gia-va-vung-lanh-tho-dau-tu-vao-tay-ninh-154972.html