Đã có đánh giá tác động khi đưa hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp
Sáng 30/8/2019, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể để cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Tạo bệ đỡ, không thêm tròng pháp lý cho hộ kinh doanh
Đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là một trong những nội dung các đại biểu bàn thảo kỹ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, hoạt động của các hộ kinh doanh hiện nay còn khá nhiều khiếm khuyết như không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự, điều này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh, không phát huy được lợi ích của nguồn lực đầu tư.
Khi được đưa vào luật tức là những hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, VPĐD) đã được bãi bỏ.
Đặc biệt dự thảo Luật có chương riêng thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần…
“Hiện nay hộ kinh doanh như đang đứng ngoài pháp luật vì không có luật điều chỉnh. Không thể để các hộ kinh doanh ở Việt Nam đóng góp 30% GDP mãi thô sơ thế này. Đưa hộ kinh doanh vào chịu sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp là rất đúng xu thế, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh, giúp họ minh bạch hơn”, Chủ tịch VCCI – TS.Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Trình bày về điểm mới này Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Vũ Đại Thắng cho biết, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh và quy định rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh, đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự.
Ông Thắng khẳng định: không ép buộc hành chính hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh, không thêm tròng pháp lý cho hộ kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá tác động của quy định mới này và thấy rằng việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh không phát sinh tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh, không phát sinh thủ tục hành chính. Các hộ kinh doanh đang hoạt động cũng không phải đăng ký lại hoặc đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp.
Sửa khái niệm DNNN
Để thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5, dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm DNNN gồm doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Quy định về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có sở hữu của nhà nước trên 50% vốn điều lệ cũng được sửa đổi. Như, mở rộng phạm vi đối tượng người có liên quan không được làm thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, hoặc tổng giám đốc, bao gồm: con rể, con dâu, anh em bên chồng.
Thảo luận về vấn đề này, có ý kiến cho rằng chỉ doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ mới là DNNN. Ý kiến khác cho rằng, nếu nhà nước giữ từ 75% vốn điều lệ trở lên mới là DNNN. Nếu chỉ có 51% thì thiểu số vẫn có quyền phủ quyết.
Một điểm đáng nhấn của sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là “tiếp tục làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn”. Các nội dung sửa đổi hướng đến cắt giảm chi phí và thời gian khởi sự kinh doanh; nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cổ đông, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp; tạo thuận lợi, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp…, qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực, vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, lần sửa đổi này sẽ bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).
Về quản trị công ty TNHH và công ty cổ phần, dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời hạn góp vốn điều lệ phù hợp với thực tiễn trong trường hợp góp vốn bằng máy móc, thiết bị, tài sản. Theo đó, thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính đối với máy móc, thiết bị và tài sản góp vốn sẽ không tính vào thời hạn (90 ngày) phải góp đủ vốn điều lệ doanh nghiệp.
Dự thảo luật sửa đổi cũng mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông công ty nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ bảo vệ lợi ích của mình và khởi kiện người quản lý công ty nhằm hạn chế cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.
Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị cần mở rộng phương án sửa đổi cũng như rà soát các luật khác có liên quan để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất. Nhiều đại biểu cho rằng, nếu công nhận ngay hộ kinh doanh là doanh nghiệp thì việc dùng tên gọi “Luật Doanh nghiệp” là hợp lý. Nhưng nếu coi hộ kinh doanh chỉ là một hình thức kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp thì tên luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh.